TIỂU DẦM Ở TRẺ, LO HAY KHÔNG LO? – HappyBaby
TIỂU DẦM Ở TRẺ, LO HAY KHÔNG LO?

TIỂU DẦM Ở TRẺ, LO HAY KHÔNG LO?

Việc tiểu dầm là vấn đề khá phổ biến ở trẻ, mang đến nhiều phiền phức và lo lắng cho ba mẹ và cả chính trẻ nữa. Chúng ta cần hiểu đúng về nguyên nhân cũng như có cách quan tâm và xử trí hợp lý vấn đề này để không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ.

Tiểu dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ. Từ 4 tuổi, trẻ đã có thể kiểm soát tiểu vào ban ngày, tuy nhiên kiểm soát tiểu vào ban đêm thì cần lâu hơn, thường từ 5-7 tuổi trở đi. Theo sự hoàn thiện dần về khả năng kiểm soát bàng quang vào ban đêm, tình trạng tiểu dầm sẽ tự khỏi theo thời gian.

Ở các trẻ 4 tuổi, cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ tiểu dầm. Tỷ lệ này giảm xuống còn 1/10 khi trẻ lên 6 tuổi, những vẫn có một số ít trẻ có thể còn tiểu dầm đến tuổi thiếu niên.

Chart, histogram

Description automatically generated

Biểu đồ tỉ lệ tiểu dầm theo độ tuổi

Một số yếu tố có thể dẫn đến tiểu dầm ở trẻ:

  • Xu hướng di truyền (ba mẹ trẻ có tình trạng này khi còn nhỏ).
  • Bàng quang trẻ phát triển chưa hoàn thiện nên khả năng chứa và giữ nước tiểu chưa tốt.
  • Cơ thể trẻ chưa sản xuất đủ hormone giảm tiết nước tiểu vào ban đêm.
  • Trẻ ngủ sâu và không thức dậy khi bàng quang phát ra tín hiệu đã đầy.
  • Táo bón cũng có thể gây chèn ép và tăng kích thích bàng quang.
  • Một số trường hợp rất hiếm do trẻ có các bệnh lý như đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu…

Lời khuyên dành cho ba mẹ và trẻ:

  • Tiểu dầm đơn thuần không có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ; nhưng tình trạng này có thể gây xấu hổ, mặc cảm cho trẻ… Ba mẹ nên trấn an, có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng con không phải là trẻ duy nhất tiểu dầm. Tuyệt đối không la mắng hoặc chọc ghẹo trẻ.
  • Khuyến khích trẻ uống đủ nước, nhắc trẻ đi tiểu vào ban ngày và trước khi đi ngủ.
  • Không cần thiết hạn chế uống nước vào buổi tối, nhưng cần tránh các thức uống như trà, cà phê, sô-cô-la trước khi ngủ.
  • Điều trị táo bón nếu có ở trẻ.

Bên cạnh đó phương pháp sử dụng các thiết bị báo động tiểu dầm (bedwetting alarm) trong 6-8 tuần rất hiệu quả trong điều trị tiểu dầm. Đây là thiết bị có gắn cảm biến vào tấm thảm lót hoặc quần lót của trẻ trong khi ngủ, chuông sẽ reo lên ngay khi nhận biết những giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức trẻ dậy rời khỏi giường và đi tiểu. Tuy nhiên thiết bị này chưa phổ biến tại Việt Nam.

Ngoài ra, nếu việc trẻ tiểu dầm không ảnh hưởng đến trẻ và ba mẹ thì cũng không cần lo lắng hoặc hướng đến điều trị vì tình trạng này sẽ tự khỏi theo thời gian.

Khi nào thì ba mẹ cần đưa trẻ gặp bác sĩ:

  • Trẻ hết tiểu dầm hơn 6 tháng nhưng tái phát lại.
  • Trẻ tiểu đau buốt, lắt nhắt, tiểu có máu…
  • Trẻ tiểu nhiều vào ban ngày lẫn ban đêm kèm theo các dấu hiệu bất thường như sụt cân, khát nước, uống nước nhiều…
  • Khi trẻ có tình trạng táo bón.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ giảm bớt lo lắng và tránh tình trạng sử dụng các biện pháp dân gian không có cơ sở khoa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Thư

Happy Baby team.

Tài liệu tham khảo

Bedwetting: Kids Health Info; The Royal Children Hospital

Bed-wetting: Patient Care & Health Information; Mayo Clinic

 

← Bài trước Bài sau →