GIẤC NGỦ – HappyBaby
GIẤC NGỦ [PHẦN 1]

GIẤC NGỦ [PHẦN 1]

Không ít ba mẹ than phiền rằng trẻ thường xuyên thức giấc, quấy khóc giữa đêm và rất khó ngủ lại, việc này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình vì ai cũng mệt mỏi. Đôi khi nguyên nhân của vấn đề này không ở đâu xa mà có thể do ba mẹ và người chăm sóc vô tình tạo nên mà không hay biết.

Đối với trẻ, việc thức giấc giữa đêm là điều bình thường và phần lớn trẻ có thể tự ngủ lại mà không cần sự hỗ trợ nào. Thực ra giấc ngủ của trẻ không phải là quãng thời gian xuyên suốt 8-12 tiếng mà bao gồm 8-12 chu kỳ ngủ ghép lại với nhau, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng một tiếng, trẻ trải qua hết chu kỳ ngủ này rồi đến chu kỳ ngủ khác, cứ như thế hình thành một giấc ngủ trọn vẹn từ tối đến sáng.

Mỗi chu kỳ ngủ của trẻ lại được chia thành 2 giai đoạn:

- Ngủ cử động mắt nhanh (REM: rapid eye movement) hay còn gọi là ngủ “động”.

- Ngủ không cử động mắt nhanh (NREM: Non-rapid eye movement) hay còn gọi là ngủ “sâu”. 

Sở dĩ có cái tên ngủ cử động mắt nhanh là vì dù đang ngủ nhưng mắt sẽ cử động bên dưới mi mắt nhắm và não vẫn hoạt động, trẻ có thể xuất hiện những giấc mơ, ba mẹ sẽ thấy trẻ cử động tay chân, uốn éo, vặn mình, mút tay, nhăn nhó, cười và DỄ THỨC GIẤC. Trong giai đoạn ngủ sâu thì trẻ nằm yên, ít cử động và khó đánh thức hơn.

Thời gian trẻ dễ thức giấc nhất khi đang ở giai đoạn ngủ động hoặc đang chuyển tiếp giữa các chu kỳ ngủ. Đa số trẻ có thể tự ngủ lại được mà không cần sự hỗ trợ nào.

Giấc ngủ của trẻ bao gồm nhiều chu kỳ ngủ

  • Awake: Giai đoạn thức tỉnh    
  • Light sleep: ngủ động
  • Deep sleep: ngủ sâu          
  • Start of the night: bắt đầu giấc ngủ
  • End of the night: kết thúc giấc ngủ

Lợi ích của giấc ngủ

Giấc ngủ động được cho là có lợi cho việc học tập, trí nhớ và phát triển não bộ của trẻ nhỏ. Điều này giúp giải thích tại sao trẻ sơ sinh có tỷ lệ giấc ngủ động cao nhất so với những nhóm tuổi khác.

Giấc ngủ sâu: Cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, năng lượng được phục hồi và tích lũy, các hormone tăng trưởng tiết ra giúp trẻ lớn lên.

Khi trẻ càng lớn thì thời gian ngủ động càng ngắn lại và ngủ sâu càng dài ra.

  • Đối với trẻ sơ sinh thì ngủ động chiếm 50% tổng thời gian ngủ, nên ba mẹ sẽ thấy trẻ ngủ hay uốn éo, vặn mình, mút tay, nhăn nhó. Ngủ động cũng giúp trẻ có thể dễ dàng thức giấc và báo động cho ba mẹ biết nếu gặp điều kiện môi trường không thuận lợi như quá lạnh, quá nóng, hoặc khi trẻ đau, đói bụng. Trong thời gian này, trẻ sẽ thức giấc đòi bú thường xuyên, có thể mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 3-6 tháng: ngủ động chiếm tỷ trọng ít dần và thời gian trẻ dậy bú về đêm sẽ giãn ra mỗi 4-6 giờ, thậm chí có trẻ ngủ xuyên đêm.
  • Trẻ 6-8 tháng: trẻ có thể chỉ cần bú đêm tối đa một lần, cho đến khi trẻ trên 9 tháng tuổi sẽ không có nhu cầu dinh dưỡng trong đêm và có thể duy trì giấc ngủ đến sáng.
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi: giấc ngủ của trẻ đã gần giống người trưởng thành, thời gian ngủ sâu chiếm đa số và trẻ càng ít thức giấc vào ban đêm.

Trẻ dễ thức giấc nhất khi đang ở giai đoạn ngủ động hoặc ở giai đoạn chuyển tiếp giữa các chu kỳ ngủ. Do đó việc trẻ thức giấc giữa đêm là điều rất bình thường và nó chỉ thật sự là vấn đề nếu trẻ không thể tự ngủ lại được mà luôn cần sự hỗ trợ từ người chăm sóc.

Theo trung tâm nghiên cứu giấc ngủ y học Mỹ (AASM :The American Academy of Sleep Medicine) khuyến cáo thời gian ngủ theo từng độ tuổi. Tuy nhiên tuỳ tình trạng sức khoẻ và cơ địa mà một số trẻ có thể cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn so với khuyến cáo.

Độ tuổi

Thời gian ngủ khuyến cáo

(tính thời gian ngủ ban ngày và ban đêm)

0 - 3 tháng16 – 18 giờ
4 -12 tháng12 – 16 giờ
1 – 2 tuổi11 – 14 giờ
3 – 5 tuổi10 – 13 giờ
6 – 12 tuổi9 – 12 giờ
13 – 18 tuổi8 – 10 giờ

 

Ngủ ban ngày là hiện tượng hết sức bình thường ở trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể ngủ nhiều giấc vào ban ngày. Khi trẻ 9-12 tháng, có thể cần 2-3 giấc ngủ ngày và đối với trẻ 12-24 tháng thì hầu hết chỉ cần 1-2 giấc ngủ ngày. Khi trẻ 4-5 tuổi có thể không cần ngủ ngày. Đối với giấc ngủ ban ngày, ba mẹ cũng nên cho trẻ tự vào giấc, tự chuyển giấc giống như ngủ ban đêm, cần tránh liên kết giấc ngủ cho trẻ dù là ban ngày hay ban đêm.

Điều gì xảy ra nếu trẻ không ngủ trưa?

Khi trên 4-5 tuổi, nhiều trẻ sẽ không chịu ngủ trưa, ba mẹ và người chăm sóc không nên bắt ép trẻ bằng mọi giá. Ba mẹ có thể cho trẻ nghỉ trưa, đọc sách hoặc chơi trong yên lặng. Nhiều trẻ có thể ngủ đủ giấc vào ban đêm nên không có nhu cầu ngủ ngày. Tuy nhiên nếu trẻ muốn ngủ trưa thì ba mẹ cần cho trẻ ngủ đúng giờ, nơi ngủ yên tĩnh và thoải mái. Không nên cho trẻ ngủ trưa quá trễ vào chiều tối vì có thể ảnh hưởng giấc ngủ ban đêm của trẻ.

Đối với trẻ nhỏ, nếu trẻ không ngủ đủ ban ngày có thể làm trẻ khó ngủ vào ban đêm, do đó ba mẹ cần duy trì giấc ngủ ban ngày theo nhu cầu của trẻ nhé.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải

Happy Baby team.

Nguồn tham khảo:

  1. Patient education information, information series; Healthy Sleep in Children; American Thoracic Society; 2017
  2. Sleep problems - babies and toddlers; The Royal children’s hospital; Australia; July 2018.
  3. Normal sleep patterns; Kidshealth; New Zealand; May 2020
  4. Sleep - Normal sleep patterns 0-16 years; The Sydney children’s Hospitals Network; Australia;
  5. Mary L. Gavin, MD; Naps; Kidshealth; June 2020
← Bài trước Bài sau →