LƯỠI BẢN ĐỒ - VIÊM LƯỠI DI CHUYỂN LÀNH TÍNH – HappyBaby
LƯỠI BẢN ĐỒ - VIÊM LƯỠI DI CHUYỂN LÀNH TÍNH

LƯỠI BẢN ĐỒ - VIÊM LƯỠI DI CHUYỂN LÀNH TÍNH

“Bác sĩ ơi, lưỡi con em bị gì mà nhìn nó kì kì, có phải nhiễm giun sán hay gì không mà sao em thấy nó bò tùm lum kiểu hết bác ơi?” – Đây là câu hỏi mà các Bác sĩ nhi khoa thường nhận được và đúng là những sang thương trên lưỡi ấy có “bò” như ba mẹ khai thật. Nhưng trong y khoa gọi đây là tình trạng “Lưỡi bản đồ” hay “Viêm lưỡi di chuyển lành tính” và chúng ta cùng tìm hiểu về chiếc lưỡi kỳ lạ này qua bài viết bên dưới nhé các ba mẹ.

"Lưỡi bản đồ" là gì?

Đây là một tình trạng viêm tái diễn hay kéo dài và lành tính mặt lưng của lưỡi, hiếm hơn có thể gây ảnh hưởng lên niêm mạc miệng. Trên bề mặt lưỡi, việc mất dần hình dạng bình thường của các gai lưỡi dẫn đến những mảng đỏ mất gai được viền bên ngoài bằng 1 đường viền trắng dạng vòng với nhiều hình dạng khiến mặt lưng lưỡi trông như bản đồ. Những sang thương này có thể di chuyển, thay đổi hình thù, kích thước rất nhanh (có khi chỉ trong vài phút hay vài giờ) và có thể có vài đợt tăng nặng hoặc giảm nhẹ triệu chứng thay đổi liên tục theo thời gian. Tuy nhiên trong giai đoạn thuyên giảm, lưỡi bản đồ biến mất và không để lại sẹo.

Bệnh có biểu hiện gì khác đi kèm không?

Đa số sẽ không có biểu hiện gì khác đi kèm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bé có thể cảm giác khó chịu, đau hoặc nóng trong miệng, lưỡi, đau hơn khi ăn thức ăn nóng, cay và thỉnh thoảng có thể kèm theo đau tai hay hạch bạch huyết dưới hàm.

Điều gì gây nên hiện tượng này? 

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu cho thấy những giai đoạn thay đổi nội tiết tố (hormone) ví dụ: giai đoạn mang thai, bệnh đái tháo đường…, do tiền sử hay cơ địa dị ứng, di truyền (có người trong gia đình mắc tình trạng này) hay tình trạng căng thẳng tâm thần kinh cũng làm tăng khả năng xuất hiện lưỡi bản đồ.

Ai sẽ dễ gặp tình trạng này?

Tần suất gặp phải lưỡi bản đồ dao động trong khoảng 1% - 2.5% dân số chung. Lưỡi bản đồ có thể gặp ở bất kỳ giới tính và độ tuổi nào. Tuy nhiên thường gặp hơn ở trẻ 4–5 tuổi và người dưới 30 tuổi. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy hiện tượng này sẽ dễ xảy ra hơn ở người có cơ địa dị ứng, lưỡi nứt nẻ, vảy nến hoặc viêm khớp phản ứng.

Làm gì để hết tình trạng lưỡi bản đồ?

Thường tình trạng này không cần phải điều trị. Nhưng đôi khi lưỡi bản đồ gây khó chịu nhiều, lúc này nên cho bé được thăm khám bởi Bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí phù hợp nhất. Một số khuyến cáo y khoa cho rằng khi lưỡi đang viêm, bé nên tránh thức ăn cay hoặc đồ uống có nồng độ acid cao.

Kết luận

Lưỡi bản đồ trong “ghê” thật đấy, nhưng lại khá “lành” các ba mẹ nhỉ. Tuy nhiên, tình trạng này rất dễ nhầm lẫn hoặc liên quan với một số bệnh lý khác (ví dụ: nấm miệng, lichen phẳng…), vì thế tốt nhất ba mẹ vẫn nên cho bé thăm khám với Bác sĩ nhi khoa khi thấy lưỡi hoặc bất kỳ cơ quan nào của bé có biểu hiện “lạ thường” nào đấy, để Bác sĩ đưa ra các nhận định chính xác nhất ba mẹ nhé!

Ba mẹ cùng xem qua một số hình ảnh về tình trạng "lưỡi bản đồ" nhé.

../../../../Desktop/Screen%20Shot%202020-09-07%20at%2017.09

 

Bác sĩ Lê Hà Tuấn Anh

Happy Baby team.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Giovanni Lodi, “Oral lesions”, Uptodate August 2020.

[2]. Martha Ann Keels, “Soft tissue lesions of the oral cavity in Children”, Uptodate August 2020.

[3]. Jainkittivong A, Langlais RP. Geographic Tongue: Clinical Characteristics of 188 Cases. J Contemp Dent Pract 2005 February;(6)1:123-135.

[4]. Dimitrios Assimakopoulos, George Patrikakos, Christina Fotika, Moses Elisaf, “Benign Migratory Glossitis or Geographic Tongue: An Enigmatic Oral Lesion”, December 15th, 2002, The American Journal of Medicine, Volume 113.

[5]. Mehta V. Benign migratory glossitis: report of a rare case with review of literature. J Dent Health Oral Disord Ther. 2017;6(4):123‒125.

[6]. I.C. Ogueta et al, “Geographic Tongue: what a Dermatologist should know”, Review 18 April 2019.

 

← Bài trước Bài sau →