VÀNG DA SƠ SINH – HappyBaby
VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

Định nghĩa vàng da?

Vàng da xuất hiện khi Bilirubin trong máu tăng cao, làm cho da và niêm mạc (như mắt) của trẻ trở nên vàng đi. Khi Bilirubin toàn phần (Bilirubin trực tiếp, gián tiếp) > 7mg% sẽ xuất hiện triệu chứng vàng da.

Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý hoặc bệnh lý.

Nguyên nhân gây vàng da?

Có thể phân ra thành hai loại:

🌟 Vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp

  • Vàng da sinh lý thường gặp ở 25-50% trẻ sơ sinh đủ tháng và 80% ở trẻ non tháng.

Vàng da là kết quả khởi điểm khi tế bào hồng cầu (giúp ta hồng hào và tạo màu đỏ của máu) của trẻ vỡ đi (tán huyết) và được thay thế bằng tế bào hồng cầu khác trưởng thành hơn, hồng cầu khi vỡ sẽ sinh ra Bilirubin và được đào thải ra ngoài qua đường gan, mật, ruột, qua phân và nước tiểu của trẻ. Tuy nhiên gan trẻ sơ sinh chưa trưởng thành và nếu trẻ không bú đủ thường xuyên thì đường ruột sẽ không hoạt động đủ hiệu quả để đào thải Bilirubin ra ngoài, dẫn đến Bilirubin tích tụ dưới da và niêm mạc, gây hiện tượng vàng da, vàng mắt.

Thời điểm xuất hiện vàng da thường là sau sinh 24h, tình trạng vàng da kéo dài khoảng 7 ngày tuổi ở trẻ đủ tháng và 14 ngày tuổi ở trẻ non tháng. Vàng da thường xuất hiện từ ở rốn trẻ trở lên phía trên, tổng trạng trẻ sẽ khỏe và bú giỏi, cử động tốt, tiêu tiểu bình thường, gan lách không to. Đa số trường hợp vàng da sẽ tự hết khi trẻ bú đủ, đi tiêu phân nhiều lần (đào thải Bilirubin qua phân). Tuy nhiên ở một số trường hợp Bilirubin tăng quá nhanh và vượt qua hàng rào máu não tích tụ ở não sẽ gây tổn thương lâu dài đến não (gọi là vàng da nhân) và có thể để lại di chứng suốt đời.

  • Vàng da do sữa mẹ

Tình trạng này xuất hiện trên khoảng 3% trẻ sơ sinh và thường xuất hiện trễ vào khoảng ngày thứ 5 sau sinh. Đây là tình trạng vàng da xuất hiện ở trẻ sơ sinh không nhiễm trùng, không thiếu máu, không bất đồng nhóm máu mẹ con, không kèm theo gan lách to và tổng trạng trẻ rất tốt. Đối với tình trạng vàng da do sữa mẹ, lượng Bilirubin gián tiếp cao nhất là khi trẻ được khoảng 14 ngày tuổi.

Vàng da do sữa mẹ có diễn tiến lành tính nhưng có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Nếu thử ngưng sữa mẹ 1- 2 ngày, tình trạng vàng da có thể giảm đột ngột và sẽ xuất hiện trở lại khi trẻ tiếp tục bú mẹ. Lúc này vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, vì vàng da sẽ giảm dần sau 4 đến 6 tuần tuổi của trẻ.

  • Vàng da bệnh lý:

Vàng da do tự tiêu các ổ xuất huyết, thiểu năng tuyến giáp, vàng da ở trẻ có mẹ tiểu đường, tắc đường tiêu hoá, thiếu men Glucuronyl transferase bẩm sinh. 

Vàng da do bệnh lý tán huyết bẩm sinh: tán huyết do bệnh lý màng hồng cầu, do thiếu men chuyển hoá (G6PD), do Hemoglobin bất thường.

Vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con, tán huyết nhiễm trùng.

🌟 Vàng da do tăng Bilirubin trực tiếp

Nguyên nhân bao gồm các bệnh lý viêm gan nhiễm trùng, bệnh chuyển hoá. Nghẽn đường dẫn mật: các bệnh lý về bệnh đường mật ngoài gan (teo đường mật, nang ống mật chủ, hẹp đường mật…), bệnh đường mật trong gan (nghèo đường mật trong gan, tắc mật trong gan tiến triển, hội chứng mật đặc…).

🌟 Phân biệt vàng da do tăng Bilurubin trực tiếp và gián tiếp

 Thời gian xuất hiện vàng daĐặc điểm
Tăng Bilirubin trực tiếpXuất hiện muộn, thường sau 14 ngày tuổi
  • Màu da trẻ màu vàng chanh, lẫn màu xanh lá cây
  • Phân bạc màu.
  • Gan lách to chắc.
Tăng Bilrubin gián tiếpXuất hiện thường sớm, trong tuần đầu sau sinh
  • Màu da trẻ màu vàng cam
  • Phân vàng bình thường
  • Gan lách thường không to

 

🌟 Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

 Thời gian xuất hiện
vàng da
Đặc điểmThời gian vàng da
Vàng da sinh lýThường là từ 2 - 3 ngày tuổi sau sinh
  • Trẻ khoẻ tăng cân tốt
  • Gan lách không to
  • Phân vàng bình thường
  • Trẻ đủ tháng: trong vòng 7 ngày tuổi
  • Trẻ sinh non: trong vòng 14 ngày tuổi 
Vàng da bệnh lýCó thể trong 24h đầu sau sinh
  • Bỏ bú hoặc bú kém

  • Sốt, khóc nhiều, lừ đừ

  • Ngưng thở hoặc thở nhanh

  • Thay đổi thân nhiệt, gan lách thường to

  • Phân trẻ có thể bạc màu
Kéo dài

 

    Điều trị

    Khi Bilirubin máu tăng cao trẻ sẽ được điều trị bằng phương pháp chiếu đèn. Hoặc khi tăng quá cao có thể tiến hành điều trị bằng phương pháp thay máu để rút trực tiếp lượng máu có Bilirubin quá cao, nhằm giảm thiểu tổn thương não xảy ra, gây ra bệnh lý não do tăng Bilirubin (hay còn gọi là Vàng da nhân).

    Cần nghĩ ngay đến bệnh lý não khi trẻ có biểu hiện: ngủ li bì, không tập trung, khóc thét, bỏ bú hoặc bú kém, sốt cao, co giật…

    Phòng ngừa

    Ba mẹ có thể cho trẻ bú đủ sữa thường xuyên, khoảng 12 lần/ ngày, điều này sẽ kích thích hệ đường ruột của trẻ hoạt động tốt, tiêu phân nhiều lần để thải Bilirubin dư thừa ra khỏi cơ thể trẻ.

    Những nguy cơ khiến trẻ vàng da nhiều hơn trẻ khác và góp phần làm tình trạng vàng da nặng hơn:

    • Trẻ sinh non trước 37 tuần, sinh ra nhẹ ký dưới 2.5kg.
    • Nếu trẻ vàng da rất sớm, trong 24h đầu sau sinh, vàng da lan rộng nhanh đến cẳng tay, cẳng chân của trẻ.
    • Nếu khi sinh ra trẻ có bướu máu, hoặc tụ máu dưới da đầu.
    • Nếu nhóm máu trẻ không đồng thuận với nhóm máu mẹ.
    • Tiền sử gia đình nếu anh chị của trẻ trước cũng bị vàng da sơ sinh nặng, gia đình bị các bệnh bất thường về hồng cầu hoặc thiếu men đặc biệt của hồng cầu (thiếu men G6PD).
    • Trẻ nhiễm trùng, chướng bụng do chậm tiêu phân su, tắc ruột.

    Các dấu hiệu nguy hiểm

    Khi trẻ xuất hiện tình trạng vàng da, nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm máu theo chỉ định, đồng thời theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, để có thể tái khám kịp thời:

    • Vàng da xuất hiện sớm trước 24h giờ sau sinh.
    • Trẻ bỏ bú, bú kém.
    • Trẻ lừ đừ, ngủ suốt ngày, khó đánh thức.
    • Nếu vàng da toàn thân, vàng cả lòng bàn tay lòng bàn chân.
    • Vàng da kéo dài trên 7 ngày tuổi đối với trẻ đủ tháng, trên 14  ngày tuổi đối với trẻ non tháng.
    Bác sĩ Ngô Văn Bình
    Happy Baby team.

    Tài liệu tham khảo

    1. GS TS Hoàng Trọng Kim; Hội chứng vàng da ở trẻ sơ sinh; Giáo trình Nhi Khoa Đại học Y dược TPHCM Tập 2,  Trang 334.
    2. Jaundice in newborns; Caring for kids website, Canadian Pediatric Society; Canada
    3. Infant Jaundice; Mayo Clinic Staff; Mayo Clinic website; America; 2016
    4. Jaundice in neonates; Neonatal ehandbook; Department of Health and Human services, Victoria, Australia.
    5. Prolonged Jaundice; Clinical Guidelines; The Royal Children's Hospital, Melbourne, Australia, 2016.
    ← Bài trước Bài sau →