Theo thống kê thì trẻ nhỏ dưới 6 tuổi trung bình có 6-8 đợt bệnh viêm hô hấp mỗi năm, có 10-15 % trẻ mắc ít nhất 12 đợt/ năm và trẻ đi học trong năm đầu tiên sẽ mắc bệnh nhiều hơn trẻ ở nhà. Các đợt bệnh này thường đi kèm triệu chứng phổ biến nhất là chảy mũi. Rất nhiều ba mẹ có cảm giác con của mình chảy mũi quanh năm, vừa giảm chưa kịp hết đã tăng trở lại. Chính vì thường gặp nên nỗi lo về dịch nhầy ở vùng mũi họng cũng nhiều hơn.
Trước khi chúng ta đi tìm câu trả lời vì sao dịch mũi có màu xanh, chúng ta cùng tìm hiểu dịch mũi có từ đâu nhé.
Mỗi ngày mũi, xoang tiết ra một lít chất nhầy hoặc nhiều hơn. Vì sao cần phải tiết ra nhiều chất nhầy đến như vậy? Đây là một số lí do:
Mũi, xoang là các nơi thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các cơ quan này được lót bởi một lớp được gọi là niêm mạc; và chất nhầy bao phủ lớp niêm mạc, được xem là chất dưỡng ẩm để giữ các mô này được khoẻ mạnh.
Chất nhầy là một hàng rào bảo vệ. Vì chất nhầy đặc, dính nên có thể bẫy bụi, virus, vi khuẩn… là các tác nhân không mong muốn từ môi trường bên ngoài vào và ngăn không cho chúng xâm nhập vào cơ thể mình.
Bên cạnh đó, trong chất nhầy có chứa nhiều yếu tố miễn dịch (như tế bào bạch cầu, kháng thể…) và sẽ “chiến đấu” khi có “kẻ xâm nhập”.
Thậm chí có những chức năng khác của chất nhầy mà chưa được khám phá.
Bình thường chúng ta không để ý đến sự tồn tại của chúng nhưng trong các đợt bệnh, chúng được tiết ra nhiều hơn, đổi sang màu vàng, xanh thì ta lại thấy chúng thật khó chịu, bẩn và chỉ muốn loại bỏ chúng, ngay cả khi chúng đang thực hiện công việc của mình.
Vì sao nước mũi đặc quánh và đổi màu?
Màu của dịch mũi liên quan đến tế bào bạch cầu đa nhân. Khi dịch mũi có màu trắng, vàng đó là do có sự hiện diện của tế bào bạch cầu đa nhân. Và các tế bào bạch cầu này khi gặp các tác nhân bên ngoài sẽ phản ứng bằng cách sản xuất ra enzyme và các enzyme này có chứa sắt nên gây ra dịch mũi có màu xanh lục. Các dịch này ở lâu trong mũi, trong xoang (khi ngủ) thì sẽ cô đặc hơn, màu cũng sẽ đậm hơn. Đây là diễn tiến bình thường cho dù tác nhân là virus, vi khuẩn hay do dị ứng.
Như vậy, có cần sử dụng kháng sinh khi xuất hiện dịch nhầy xanh đặc không?
Như chúng ta đã biết phần lớn các đợt bệnh của trẻ là do virus và khi đó kháng sinh sẽ không có ý nghĩa gì. Kháng sinh chỉ có giá trị ở những trường hợp do vi khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Để xác định tác nhân gây bệnh cho trẻ thì cần quá trình: hỏi bệnh sử, diễn tiến của đợt bệnh, tiền sử bệnh của trẻ, thăm khám toàn diện và đôi khi cần thêm các cận lâm sàng như xét nghiệm máu… Do đó đánh giá màu sắc, tính chất của chất nhầy không phải là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh cho trẻ. Nên khi trẻ có các dịch nhầy xanh đặc ba mẹ hãy bình tĩnh và trao đổi với bác sĩ điều trị của trẻ nhé!
BS Nguyễn Ngọc Anh Thư.
Happy Baby Team.
Nguồn tham khảo
1. The Common Cold: Santiago M.C. Lopez and John V. Williams, Nelson Textbook Pediatrics, 2020.
2. Don’t judge your mucus by its color: Harvard Health Publishing, 6/2022.