Khi bé còn trong bụng mẹ, dây rốn là một liên kết của mẹ với bé, giúp cung cấp oxy, máu và các dưỡng chất cần thiết cho bào thai.
Khi trẻ ra đời, dây rốn không cần thiết nữa nên sẽ được cắt đi và kẹp lại gần cuống rốn.
Sau khoảng thời gian 1 tuần, khi rốn khô hẳn, chúng ta lấy kẹp rốn ra và cuống rốn sẽ tự rụng đi khi trẻ được 2 đến 3 tuần tuổi. Trong khi chờ dây rốn rụng và cuống rốn lành hẳn, thì dây rốn là nơi dễ nhiễm trùng, vì vậy việc chăm sóc dây rốn rất quan trọng.
Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 sau sinh: lúc này dây rốn đã héo nhiều, nước và dịch trong dây rốn đã mất đi, cuống rốn bắt đầu chuyển sang màu sậm khô, kẹp rốn thường sẽ tự sứt ra, hoặc được mở kẹp lúc trẻ 1 tuần tuổi. Đôi khi ba mẹ sẽ phát hiện trẻ chảy máu rốn, thấy rỉ một vài giọt ở chổ giữa cuống rốn đã khô và chân rốn, thường sẽ có thể tự cầm máu. Nếu chảy máu dai dẳng hoặc nhiều lần, ba mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ nhé.
Từ ngày thứ 10: giai đoạn này dây rốn sẽ tự rụng đi, trung bình dây rốn sẽ rụng vào lúc bé 2 tuần tuổi, khi dây rốn rụng, ba mẹ có thể thấy có rỉ chút máu và dịch nhầy trong vài ngày sau đó. Đây là hiện tượng bình thường của 1 quá trình gốc rốn lành.
Từ sau ngày thứ 18 vùng gốc dây rốn sẽ lành hoàn toàn và sẽ có chút mày ở gốc rốn. Ba mẹ để ý thông thường rốn sẽ rụng sau 10 đến 14 ngày, tuy nhiên sẽ có một số ít bé kéo dài trên 3 tuần dây rốn mới rụng. Nếu sau 1 tháng tuổi, dây rốn chưa rụng, ba mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để được khám và đánh giá nhé.
BS Ngô Văn Bình.
Happy Baby Team.
Nguồn tham khảo
1. Umbilical Cord Care; The Children’s Hospital of Philadelphia; America; 2022.
2. Umbilical Cord Care; Umbilical Cord Care Net; Australia; 2023.
3. Umbilical Care; Raising children network; Australia; 2023
4. Umbilical Cord Care: Do's and don'ts for parents ; Mayo Clinic; America; 2022