NHIỆT KẾ THỦY NGÂN - Những điều nên biết – HappyBaby
NHIỆT KẾ THỦY NGÂN - Những điều nên biết

NHIỆT KẾ THỦY NGÂN - Những điều nên biết

Trong một đêm hè vắng lặng, chốc chốc mẹ giật mình tỉnh dậy để kiểm tra nhiệt độ và chăm sóc cho bạn Cà-ri vì bạn đã sốt cao liên tục từ chiều. Bạn vẫn đang ngủ thật say dưới ánh nhìn trìu mến của mẹ. “Hi vọng đến sớm mai Cà-ri sẽ bớt sốt, sẽ khỏe hơn để mẹ yên tâm đi làm” – mẹ thầm nghĩ và ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay.
“Keng”! Bất chợt một âm thanh đanh gọn, khe khẽ vang, nhưng cũng đủ để làm mẹ tỉnh dậy. Đó chính là Cà-ri đang vui vẻ ngồi chơi dưới sàn nhà. Mẹ chưa kịp mừng vì sáng thức giấc thấy con đã khỏe hơn thì hỡi ôi! Cà-ri vừa làm vỡ cây nhiệt kế bằng thủy tinh mà hôm qua mẹ đo cho con chưa kịp vội cất vào. Bao nhiêu lo lắng và câu hỏi bắt đầu nhảy múa trong đầu mẹ.


Vậy Cà-ri của mẹ có bị làm sao không? Có gì nguy hiểm ảnh hưởng đến con hay không?

Con có nuốt phải chất lỏng bên trong cây nhiệt kế hay không?

Câu trả lời dành cho mẹ Cà-ri và các bạn sẽ có ở ngay bên dưới.


BẠN CÓ BIẾT


Thủy ngân là một kim loại ở dạng lỏng, màu trắng bạc, không màu, không mùi, bay hơi chậm ở nhiệt độ phòng (25 độ C). Thủy ngân ở dạng khí bay hơi rất độc đối với cơ thể người. Ngưỡng gây độc cho cơ thể > 4-5 Micromol/L hoặc > 1.6 Microgram/kg/ngày (theo FAO/WHO Joint Expert Committee on Food Additives). Thủy ngân thường được sử dụng trong nhiệt kế, ẩm kế, bóng đèn huỳnh quang... Một cây nhiệt kế thủy ngân chỉ chứa hàm lượng thủy ngân khoảng 0.61 grams (theo EPA)


Khi nhiệt kế thủy ngân vỡ, đa số các trường hợp sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé nếu thủy ngân được dọn dẹp sạch sẽ.

  • Không được dùng máy hút bụi để dọn thủy ngân vì hơi nóng từ máy hút sẽ làm thủy ngân bốc hơi và gây nhiễm độc cơ thể.
  • Không dùng chổi để quét dọn thủy ngân vì điều này làm thủy ngân phân tán thành những hạt nhỏ ra môi trường xung quanh.
  • Không đổ thủy ngân vào bồn rửa vì thủy ngân có thể ứ đọng lâu trong đường ống thoát nước.

Việc tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân (dạng bay hơi) trong thời gian dài sẽ gây nhiễm độc thần kinh (thay đổi tính tình, nói lắp, run tay chân, mệt mỏi, đau đầu, co giật, hôn mê) , tăng huyết áp, viêm phổi, phù phổi, suy thận.


Trẻ vô tình nuốt thủy ngân đa số thường không gây hại đến sức khỏe . Vì hệ tiêu hóa chỉ hấp thu được dưới 0.01% hàm lượng thủy ngân được nuốt vào (lượng thủy ngân này rất thấp không đủ để gây nhiễm độc cho cơ thể), phần còn lại sẽ được cơ thể trẻ thải ra ngoài. Hướng dẫn trẻ súc miệng và không cần làm gì thêm.


Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên ăn quá 100 gram/ tuần các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngừ, cá thu vua, cá vược, cá đuối, cá kiếm, cá cờ.
Hàm lượng thủy ngân cao trong cơ thể mẹ có thể gây xảy thai, thai chậm tăng trưởng, bại não hay làm giảm thị lực và thính lực của trẻ sơ sinh.

HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ TẠI NHÀ KHI NHIỆT KẾ THỦY NGÂN VỠ

  • Đưa trẻ rời khỏi phòng. Mở cửa phòng có thủy tinh vỡ để tạo sự thông thoáng (trong 24 giờ) và đóng tất cả các cửa phòng khác.
  • Mang găng tay trước khi dọn dẹp.
  • Cẩn thận nhặt các mảnh vỡ thủy tinh, cuộn vào khăn giấy để bỏ túi zip.
  • Dùng thẻ nhựa hoặc cây gạt nước sàn nhà để thu nhặt các giọt thủy ngân, gói vào giấy, bỏ túi zip niêm phong lại.
  • Dùng băng dính để thu nhặt những giọt thủy ngân hay mảnh vỡ thủy ngân còn sót lại, bỏ túi zip.
  • Liên hệ với trạm y tế hay trung tâm y tế dự phòng gần nhất để gửi xử lý túi chất thải.
  • Không sử dụng lại găng tay, quần áo hay các vật dụng có dính thủy ngân.

HIỆN NAY, CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ VIỆN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ HOA KỲ ĐÃ KHUYẾN CÁO KHÔNG SỬ DỤNG NHIỆT KẾ THỦY NGÂN!


BS Phạm Quang Vinh - Happy Baby Group

← Bài trước Bài sau →