TÁO BÓN Ở TRẺ EM – HappyBaby
TÁO BÓN Ở TRẺ EM

TÁO BÓN Ở TRẺ EM

Táo bón là 1 vấn đề khá phổ biến ở trẻ em mọi lứa tuổi, thường có liên quan với việc thay đổi chế độ ăn, thói quen hay thỉnh thoảng khi trẻ có dùng thuốc, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu tập bỏ tã hay bắt đầu ăn dặm.


Táo bón được định nghĩa là khi trẻ đi tiêu phân cứng hoặc không thường xuyên. Độ cứng và tần suất đi tiêu bình thường ở trẻ em rất khác nhau: trẻ bú sữa mẹ có thể sẽ đi sau mỗi cử bú, cũng có khi cả tuần mới đi 1 lần. Trẻ bú sữa công thức và trẻ lớn hơn, sẽ đi tiêu ít nhất mỗi 2 đến 3 ngày 1 lần.


Các dấu hiệu và triệu chứng táo bón:
Táo bón có thể gây ra các biểu hiện:
- Đau bụng: cơn đau lúc có lúc không.
- Ít cảm thấy đói bụng hơn
- Tính tình cáu kỉnh
- Nứt hậu môn: gây đau và chảy máu khi đi tiêu. Tình trạng này có thể do phải cố rặn để đi tiêu ra khối phân cứng và to.
- Hành vi nín/ nhịn đi tiêu ví dụ: ngồi xổ, bắt chéo chân, từ chối ngồi lên bồn cầu, chạy trốn.
- Đôi khi thấy bụng to hơn hoặc có thể sờ thấy những khối phân cứng.
- Nếu tình trạng bón kéo dài, trẻ có thể đi tiêu ra quần: tình trạng này là do trực tràng của trẻ luôn chứa đầy phân trong khoảng thời gian dài và bị căng ra, trẻ không cảm thấy muốn đi tiêu nhưng sau đó có thể làm trẻ đi tiêu không tự chủ.

Các nguyên nhân gây táo bón:
- Khuynh hướng tự nhiên: 1 số trẻ có vận động ruột chậm, gây táo bón
- Thói quen đi tiêu: nín nhịn, trì hoãn đi tiêu do mê chơi. Làm phân sau đó trở nên cứng và to hơn. Trẻ cũng có thể nín nhịn nếu trước đó bị đau khi đi tiêu làm trẻ sợ hãi, và những lần sau trẻ lại đi tiêu bị đau hơn và nín lâu hơn.
- Môi trường phòng vệ sinh thay đổi: thường khi trẻ bắt đầu đi học hay sau kỳ đi chơi xa
- Chế độ ăn uống: trẻ ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, uống nhiều sữa mỗi ngày, ít trái câu và rau củ tươi, ít uống nước có thể là nguyên nhân gây táo bón
- Nguyên nhân bệnh lý: Hirchspung, bất thường cột sống, bệnh lý chuyển hóa có thể là nguyên nhân gây ra táo bón

Ba mẹ có thể làm gì giúp trẻ?
Điều trị táo bón sẽ hiệu quả nếu ba mẹ phối hợp giữa việc điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ, tập thói quen đi tiêu tốt và đôi khi cần sự hỗ trợ của 1 số loại thuốc giúp làm mềm phân.
- Chế độ ăn: Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn của trẻ, tăng rau trong các bữa ăn của trẻ, trẻ nên dùng ít nhất 2-3 khẩu phần trái cây/ ngày, đặc biệt là mận, mơ,…, nước ép mận cũng giúp nhuận tràng nhẹ, nên sử dụng bánh mì nâu hay bánh mì nguyên cám, ngũ cốc thô. Đảm bảo trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày tùy theo độ tuổi của trẻ. Uống quá nhiều sữa cũng là 1 nguyên nhân dgây táo bón, vì vậy ba mẹ chỉ nên duy trì lượng sữa mỗi ngày < 500ml đối với trẻ > 12 tháng.
- Tập cho trẻ thói quen đi tiêu tốt: Khuyến khích trẻ đi poo poo 2-3 lần/ ngày, thường sau các bữa ăn mỗi lần từ 3-5 phút. Tư thế ngồi của trẻ cũng rất quan trọng: nên ngồi cúi người ra phía trước và chân của trẻ nên có điểm tựa để giúp đầu gối cao hơn phần hông, tư thế này sẽ giúp đẩy phân ra tốt hơn.
- Sử dụng thuốc làm mềm phân: Nếu trẻ đau khi đi tiêu hay phân quá cứng, phân có máu, có thể nên sử dụng thuốc làm mềm phân. Đừng quá lo lắng rằng trẻ sẽ bị phụ thuộc vào thuốc. Hầu hết các thuốc làm mềm phân khá an toàn. Ba mẹ có thể xin ý kiến của bác sĩ để yên tâm hơn và để việc đi poo poo của trẻ không là nỗi ám ảnh của trẻ.

BS LÊ THỊ HOA
Trưởng phòng khám
Phòng khám Happy Baby quận 2

← Bài trước