Bệnh thủy đậu – HappyBaby
Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu

BỆNH THỦY ĐẬU

Bệnh thủy đậu là một nhiễm siêu vi gây ra bởi siêu vi thủy đậu.
Trước khi có vaccine ngừa bệnh, đây là một bệnh cực kỳ thường gặp. Người ta thống kê thấy rằng, trước 15 tuổi, có đến 90% dân số đã từng được chẩn đoán bị bệnh này. Rất may mắn là, từ khi vaccine ngừa thủy đậu ra đời và ứng dụng vào cộng đồng, bệnh này trở nên hiếm gặp hơn nhiều.

Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 1-3 tuần. Trong ngày đầu tiên phát bệnh, người bệnh có thể có sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi người, biếng ăn và có thể cảm thấy đau họng. Sau khoảng một thời gian ngắn, khoảng 24 giờ, bắt đầu các nốt sẩn hồng ban dạng bóng nước nhiều kích cỡ khác nhau bắt đầu nổi. Các nốt bóng nước này có thể gây ngứa ngáy khó chịu và biểu hiện rất đặc trưng, thường lan nhanh trong khoảng 3-4 ngày sau đó. Các vùng thường nổi là mặt, ngực, lưng, tay và chân. Khoảng 5-6 ngày sau khi nổi, các bóng nước bắt đầu khô dần, lên mài và người bệnh cũng có cảm giác khỏe lại. Khi tróc mài, da có thể chuyển sang màu nhạt, hoặc thẫm hơn so với bình thường rồi mới dần trở về màu da bình thường trước khi bệnh. Một đợt bệnh thủy đậu suôn sẻ kéo dài khoảng 5-7 ngày.

Ở trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, ngoại trừ các trường hợp trẻ sơ sinh, bệnh thủy đậu khá lành tính và ít gây biến chứng nguy hiểm. Các vết bóng nước cũng rất hiếm khi nhiễm trùng hoặc tạo sẹo thêm. Vì vậy, cách tiếp cận với bệnh này thường khá đơn giản: hạ số bằng paracetamol khi cần; uống thuốc hoặc bôi các kem giảm ngứa nếu các nốt sẩn nước làm người bệnh ngứa ngáy khó chịu nhiều. Việc hỗ trợ ăn uống và duy trì vệ sinh tắm rửa cơ thể là điều cần làm và nên làm. Một số trẻ có thể gãi rất nhiều đặc biệt vào ban đêm, làm các sang thương da tệ hơn và dễ bị nhiễm trùng hơn. Các trường hợp này bạn có thể mang găng tay găng chân, hoặc mặc đồ tay chân dài cho con để đỡ gãi trực tiếp hơn bạn nhé.

Ở trẻ quá nhỏ, dưới 1-3 tháng tuổi, hoặc trẻ lớn và người lớn từ 12 tuổi trở lên, hoặc ở những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch và làm cơ thể yếu hơn trong việc đề kháng lại bệnh thủy đậu, bác sĩ có thể xem xét điều trị thuốc kháng siêu vi, tên thường gọi là Acyclovir. Thuốc này có thể giúp giết siêu vi thủy đậu và giúp triệu chứng bệnh bớt rầm rộ cũng như giảm được khả năng lây và khả năng bị biến chứng nặng của bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng sẽ có thể có tác dụng không mong muốn nên nếu muốn dùng nên được chẩn đoán và kê toa rõ ràng của bác sĩ.

Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể có là: nhiễm trùng da, viêm phổi và viêm não. Đây là những tình trạng nguy hiểm nhưng may mắn thay không thường gặp.

Hiện nay, ở nhiều nước, kể cả Việt Nam, vaccine Thủy đậu được khuyến khích tiêm ngừa từ 12 tháng tuổi. Vaccine này là vaccine sống, và gồm hai mũi cơ bản, nên tiêm cách nhau tối thiểu 3 tháng. Lịch tiêm ngừa Thủy đậu thường qui sẽ là giai đoạn 12-15 tháng tuổi, và mũi thứ 2 trong giai đoạn 4-6 tuổi. Khả năng bảo vệ của vaccine thủy đậu rất cao, lên đến 80-90%.
Việc một người bị thủy đậu sẽ tạo ra được miễn dịch bảo vệ người đó khá lâu. Tuy nhiên, việc một người đã chích ngừa đủ 2 liều cơ bản, hoặc đã bị bệnh thủy đậu, sau đó bị lại bệnh này vẫn có xảy ra, mặc dù hiếm gặp.

Tại Việt Nam có nhiều truyền thuyết thực hành không đúng cho bệnh nhân bị thủy đậu, ví dụ như: chỉ cho lau người, không được tắm nước; phải kiêng cữ gió, nắng, máy lạnh, quạt…vì sợ bóng nước nhiều hơn; phải tránh ăn xôi, gà….để tránh tạo sẹo da sau bệnh…Đây thật ra là những thực hành không đúng, và không hiệu quả. Mục tiêu chăm sóc cho bệnh nhân sẽ là giúp người bệnh thoải mái nhất có thể, vệ sinh thật tốt như khi không bệnh, và giúp người bệnh ăn uống tương đối ngon miệng để có năng lượng tốt trong đợt bệnh. Việc theo dõi sát diễn tiến và các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh để đi bác sĩ kịp thời sẽ là rất quan trọng, để bệnh nhân có thể được hỗ trợ và theo dõi khoa học, khỏe mạnh.

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo

Nguồn tham khảo:
1. Chickenpox Overview; UptoDate; 2019.
2. Chickenpox; NHS; UK; 2017.
3. Kids Health Info: Chickenpox; The Royal Children’s Hospital; Melbourne; Australia; 2018.

← Bài trước Bài sau →