Cắn vạ – HappyBaby
Cắn vạ

Cắn vạ

CẮN VẠ
#sach1toi5tuoi
#bshuyenthao

Việc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, cắn người khác, hoặc bị trẻ khác cùng tuổi cắn, gần như rất phổ biến. Ở các trường mẫu giáo, có đến gần 50% trẻ ở tuổi chập chững đi bị cắn một vài lần bởi các bạn cùng trường. Và đây là một tình cảnh hết sức oái oăm, vì trẻ cắn bạn sẽ bị xem là xấu xa, và trẻ bị cắn bị đau và ba mẹ trẻ bị cắn sẽ rất bức xúc với tai nạn này.

Thật ra, trẻ nhỏ có xu hướng cắn vạ rất nhiều và hành vi cắn cũng được xem là một hành vi phản ứng khá bình thường ở các trẻ từ 3 tuổi trở xuống.
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho một trẻ nhỏ thực hiện hành vi cắn đồ vật hoặc cắn người khác. Đầu tiên là, răng của trẻ lúc này đang mọc nên trẻ rất ngứa ngáy khó chịu nướu răng. Việc cắn sẽ giúp trẻ cảm thấy “dễ chịu” hơn. Điều thứ hai, là trong độ tuổi 1-3 tuổi, nhiều trẻ vẫn chưa đủ khả năng bày tỏ cảm xúc và tình cảm của mình qua lời nói một cách hiệu quả, và việc cắn sẽ là một hành vi trẻ sử dụng để “giải tỏa” các cảm giác mà trẻ đang mang trong người, hoặc đôi khi là một cách trẻ giao tiếp với người đối diện rằng “tôi đang rất khó chịu”, “tôi đang rất giận đây”, “mình đang rất bực mình nè”. Điều thứ ba là, và điều này người lớn nên suy nghĩ nhé, đôi khi trẻ sẽ dùng việc cắn người khác để “thử cho biết” xem phản ứng của người khác khi bị cắn như thế nào. Hoặc, tương tự, nếu khi trẻ cắn một người nào đó, bạn bắt đầu tập trung rất nhiều vào trẻ trong khi trước đó bạn hoàn toàn không tập trung hoặc lắng nghe trẻ. Có thể sự tập trung này không vui, như la mắng, phạt…nhưng đó vẫn là sự quan tâm của bạn cho trẻ. Trẻ thiếu sự quan tâm chủ động của ba mẹ hoặc người chăm sóc mình, sẽ có thể lấy hành vi cắn để thu hút sự quan tâm mà trẻ “mong muốn có”.

Những yếu tố trên nhắc nhở chúng ta rằng, nếu vì trẻ cắn bạn, hoặc cắn người, mà chúng ta la, đánh trẻ, khả năng cao trẻ sẽ làm lại hành vi trên càng lúc càng nhiều.

Điều phù hợp nhất để làm, là tìm cách PHÒNG NGỪA không cho tình huống cắn người xảy ra. Đối với những trẻ ngứa, khó chịu nướu, bạn có thể cho trẻ mang theo người một dụng cụ ngặm nướu để trẻ có thể sử dụng khi muốn. Đối với những trẻ dễ mất kiểm soát bản thân vì buồn ngủ quá hoặc đói quá, bạn nên chú ý cho bé có thời gian ăn, ngủ đúng lúc trong ngày. Việc tạo thói quen lịch trình hoạt động tương đối trong ngày là việc nên làm, không chỉ để bé có một đồng hồ sinh học khỏe mạnh mà còn giúp cho chúng ta hiểu được và giải mã được những “cơn khó ở” của con. Đối với những tình huống dễ gây xung đột, như giật đồ chơi với nhau, đánh nhau, khó chịu với nhau, bạn nên trở thành một trọng tài hòa bình tinh ý. Khi vừa thấy xung đột có tiềm năng xảy ra giữa hai bên, nên nhanh chóng nhảy vào để giải tán xung đột, hoặc tạo ra những hoạt động, cung cấp các đồ chơi….để hai bạn bị phân tâm và bỏ quên căng thẳng vừa chớm nở! Đối với những trẻ không giao tiếp tốt bằng tữ ngữ và do đó không thể giải tỏa cảm xúc tốt mà tiến đến bạo lực để giao tiếp với người đối diện, bạn nên kiên nhẫn dạy trẻ cách giải tỏa cảm xúc bằng lời qua những từ đơn giản như: KHÔNG, GIẬN, MỆT, ….để ít nhất trẻ được thoát cảm giác tiêu cực qua lời, và cũng để người lớn không thân quen hiểu được trẻ hơn!

Nếu chẳng may sự cố cắn xảy ra, đừng quá giận dữ bạn nhé. Bạn nên nhanh chóng tách trẻ và người bị cắn ra. Đưa trẻ cắn người khác vào một góc yên tĩnh, nói với trẻ những từ đơn giản như: Không được, không tốt, và không cho trẻ quá nhiều thời gian hoặc quan tâm, cho trẻ ở một mình để trẻ bình tĩnh lại. Trong khi đó, đối với trẻ bị cắn, bạn nên tập trung sự quan tâm, trấn an trẻ, và vệ sinh vết thương cắn bằng nước sạch và xà phòng. Nếu vết thương chảy máu nhiều hoặc nhìn thấy không tốt, nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được đánh giá và điều trị nếu cần. Khi bạn làm được như thế này, trẻ cắn bạn sẽ hiểu, đây là hành vi không mong muốn, và cũng không giúp trẻ có được sự quan tâm quá mức. Trẻ dần sẽ hiểu và không lặp lại thường xuyên.

Nếu sau 3 tuổi mà bạn vẫn thấy con mình cắn người khác thường xuyên, hoặc nếu bạn thấy mình không kiểm soát được hành vi bản thân và đánh con hoặc la mắng con quá thường xuyên về việc này, bạn nên cho bé và bạn đi khám bác sĩ để được đánh giá và can thiệp kịp thời khi cần bạn nhé!

Nguồn tham khảo:
1. Biting questions; Law B.M; American Psychological Association; 2011.
2. Stop Children From Biting: Strategies and Tipf for Parents; WebMD; 2018.


Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo





← Bài trước Bài sau →