CHIỀU CAO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO [PHẦN 3] - BS. Nguyễn Hoàng Hải
- Người viết: PK Happy Baby lúc
- Chat với Bác sĩ
Ở phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguyên nhân thường gặp gây chậm tăng chiều cao ở trẻ và khi nào cần cho trẻ khám bác sĩ.
Chậm tăng trưởng chiều cao có thể có nhiều nguyên nhân như:
👉 Lành tính: Có 2 nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ, đó là lùn mang tính chất gia đình hoặc chậm tăng trưởng chiều cao và dậy thì do thể trạng.
👉 Bệnh lý: các bệnh lý tim mạch, hô hấp mạn tính, thận, hoặc do các nguyên nhân nội tiết như bệnh lý tuyến giáp, thiếu hormone tăng trưởng.
👉 Suy dinh dưỡng nặng.
Một số trường hợp chậm tăng chiều cao lành tính thường gặp:
Lùn mang tính chất gia đình
- Trẻ thấp hơn các bạn cùng tuổi.
- Trẻ có ba và mẹ đều thấp.
- Tốc độ tăng chiều cao mỗi năm bình thường (trên 4 cm/ năm).
➤ Lành tính, không cần điều trị.
➤ Chiều cao dự tính khi trưởng thành thấp hơn dân số chung.
Chậm phát triển chiều cao và dậy thì do thể trạng
- Vào giai đoạn trước dậy thì, trẻ thấp hơn so các bạn cùng tuổi.
- Ba và mẹ có chiều cao bình thường.
- Tốc độ tăng chiều cao mỗi năm bình thường (trên 4 cm/ năm).
➤ Lành tính, không cần điều trị.
➤ Thường có ba mẹ, anh chị em cũng dậy thì muộn hơn dân số chung và thể trạng cũng giống như trẻ khi còn nhỏ nhưng chiều cao khi trưởng thành lại bình thường.
➤ Diễn tiến tự nhiên: trẻ thấp hơn các bạn cùng trang lứa vào độ tuổi trước dậy thì, tốc độ tăng chiều cao mỗi năm trên 4 cm, sau đó trẻ dần bắt kịp bạn bè, nhất là vào giai đoạn dậy thì và có chiều cao bình thường lúc trưởng thành.
Khi nào cần đưa trẻ khám bác sĩ?
Tốc độ tăng chiều cao của trẻ từ 2 tuổi đến trước khi dậy thì thường sẽ dao động từ 4 - 8 cm/ năm, nhưng tối thiểu cần đạt là từ 4 cm/ năm trở lên. Trẻ cần phải được theo dõi và thăm khám khi:
🌟 Chậm phát triển chiều cao và tốc độ tăng chiều cao dưới 4 cm/ năm (tốc độ tăng chiều cao cần theo dõi ít nhất 6 tháng).
🌟 Hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác mà ba mẹ cảm thấy lo lắng.
Trẻ cần được thăm khám và đo chiều cao định kỳ để đánh giá chiều cao hiện tại cũng như tốc độ tăng trưởng chiều cao có phù hợp hay không. Nếu chiều cao tăng quá chậm cũng là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý hoặc có vấn đề dinh dưỡng ở trẻ.
Ba mẹ và người chăm sóc có thể thực hiện một số điều sau đây để hỗ trợ việc tăng trưởng của trẻ:
⚡️ Ngủ đủ giấc: trẻ bình thường cần ngủ 8 - 12 giờ mỗi ngày tùy độ tuổi. Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi, ngủ đủ giấc cũng khiến việc tiết hormone tăng trưởng tốt hơn.
⚡️ Dinh dưỡng phù hợp: một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt.
⚡️ Tập thể dục thường xuyên: ngoài giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh và dẻo dai, thể dục thể thao còn giảm được tỷ lệ béo phì ở trẻ.
Việc cho trẻ ăn hoặc uống quá nhiều vitamin, thuốc bổ, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều năng lượng không giúp trẻ tăng chiều cao mà còn có thể làm cho trẻ béo phì. Trẻ thừa cân, béo phì có khuynh hướng cao lớn hơn các bạn cùng tuổi nhưng chiều cao lúc trưởng thành lại không có sự khác biệt so với dân số chung.
“Sau 18 tuổi con tôi có thể cao thêm được không?”
Đây có thể là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh khá quan tâm. Phần lớn chiều cao phát triển trong giai đoạn dậy thì và khi giai đoạn dậy thì kết thúc thì sụn tăng trưởng ở đầu xương đã được cốt hóa hết và trẻ không cao thêm được nữa. Do đó sau 18 tuổi chiều cao có thể tăng thêm nhưng không đáng kể.
BS. Nguyễn Hoàng Hải
Chuyên khoa Nhi
Chuyên khoa Nội Tiết Nhi
Ở phần kế tiếp, cũng là phần cuối cùng trong loạt bài về Chiều cao và sự phát triển chiều cao là một số câu hỏi thường gặp mà phụ huynh quan tâm, liên quan đến vấn đề chiều cao của trẻ.