CHIỀU CAO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO [PHẦN 2] - BS. Nguyễn Hoàng Hải – HappyBaby
CHIỀU CAO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO [PHẦN 2] - BS. Nguyễn Hoàng Hải

CHIỀU CAO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO [PHẦN 2] - BS. Nguyễn Hoàng Hải

Ở phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về kênh chiều cao nhé, liệu trẻ ở kênh chiều cao thấp có phải luôn là bất thường hay không?

Mỗi lần đi khám, ba mẹ có thể thấy bác sĩ hay dùng kênh chiều cao và cân nặng để đánh giá sự phát triển của trẻ theo thời gian. Vậy kênh chiều cao, cân nặng là gì?

Nói một cách đơn giản, bảng tăng trưởng chiều cao và cân nặng được lấy từ dân số trẻ khỏe mạnh, sau đó được vẽ lại dưới dạng đường cong và được đánh số từ 3rd đến 97th, gọi là kênh chiều cao hoặc cân nặng bách phân vị thứ 3 đến thứ 97. Điều này nói cho chúng ta biết là trẻ khoẻ mạnh sẽ có chiều cao hoặc cân nặng dao động từ kênh 3rd đến 97th.

Kênh chiều cao và cân nặng được dùng để so sánh chiều cao và cân nặng của trẻ với các bạn cùng độ tuổi đồng thời giúp theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ có phù hợp hay không.

Ví dụ: 

👧Bé gái 18 tháng có chiều cao ở kênh 10th, có nghĩa là 10% số trẻ gái 18 tháng tuổi có chiều cao thấp hơn trẻ này và 90% số trẻ gái 18 tháng có chiều cao cao hơn trẻ này.

🧒 Bé trai 24 tháng có chiều cao ở kênh 95th thì có 95% số trẻ trai cùng độ tuổi thấp hơn và chỉ 5% số trẻ trai cùng độ tuổi cao hơn trẻ này.

👉Tóm lại nếu ở kênh càng lớn thì trẻ sẽ càng cao so với các bạn cùng tuổi, ngược lại trẻ ở kênh càng nhỏ thì sẽ càng thấp so với các bạn cùng tuổi.

Ở mỗi lần khám, bác sĩ sẽ đánh dấu chiều cao của trẻ ở vị trí tương ứng và dùng các số liệu này để theo dõi sự tăng trưởng chiều cao của trẻ theo thời gian. Trẻ ở kênh cao hay thấp không giúp ta kết luận được trẻ khỏe mạnh hơn hay tăng trưởng của trẻ tốt hơn. Nếu chỉ số của trẻ ở kênh bách phân vị thứ 10 (10th) chỉ thể hiện là trẻ thấp hơn 90% số trẻ còn lại ở cùng độ tuổi mà thôi.

Khi trẻ mới sinh cho đến 6 tháng tuổi, chiều cao phụ thuộc chủ yếu vào dinh dưỡng trong thai kỳ của bà mẹ. Sau khoảng thời gian đó, gần 70% số trẻ sẽ thay đổi kênh chiều cao, có thể tăng hoặc giảm và sự thay đổi này là do yếu tố di truyền quyết định. Trong số này thì khoảng 35% sẽ dịch chuyển 1 kênh chiều cao, 35% còn lại sẽ dịch chuyển 2 đến 3 kênh chiều cao, sau đó chiều cao của trẻ sẽ ổn định hơn sau 2 tuổi. Do đó ba mẹ có thể thấy chiều cao của phần lớn trẻ sẽ thay đổi trong 2 năm đầu đời. Ví dụ trong giai đoạn từ 0 – 6 tháng, bạn thấy trẻ đang ở kênh chiều cao bách phân vị 50th, nhưng sau đó bạn thấy chiều cao của trẻ có thể dịch chuyển lên hoặc xuống kênh này, có thể tăng lên kênh 75th, hoặc giảm xuống kênh 25th

Vậy trẻ ở kênh chiều cao nào mới là lý tưởng?

Thật ra trẻ khỏe mạnh có thể ở bất kỳ kênh chiều cao nào, trẻ ở kênh 10th có thể khỏe mạnh giống như trẻ ở kênh 95th. Lý tưởng nhất là trẻ phát triển đều đặn dọc theo kênh tăng trưởng theo thời gian, nếu trẻ ở kênh 10th và tiếp tục phát triển theo kênh này, đó cũng là dấu hiệu trẻ đang phát triển tốt.

BS. Nguyễn Hoàng Hải

Chuyên khoa Nhi

Chuyên khoa Nội Tiết Nhi

Biểu đồ tăng trưởng bé gái

Biểu đồ tăng trưởng bé trai

Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguyên nhân thường gặp, gây chậm tăng chiều cao ở trẻ và khi nào cần cho trẻ khám bác sĩ?

← Bài trước Bài sau →