UỐNG THUỐC KHÔNG KHÓC NHÈ - BS Phan Thị Tường Vân – HappyBaby
UỐNG THUỐC KHÔNG KHÓC NHÈ - BS Phan Thị Tường Vân

UỐNG THUỐC KHÔNG KHÓC NHÈ - BS Phan Thị Tường Vân

Thỉnh thoảng trong cuộc đời vài tháng tuổi hoặc vài năm tuổi của bạn nhỏ, bạn sẽ bệnh. Vì bệnh là một phần của quá trình lớn lên, để bạn tiếp xúc, đương đầu và có miễn dịch với thế giới bên ngoài. Và trong một vài lần đó, thỉnh thoảng bạn sẽ cần dùng thuốc. Việc uống thuốc đối với trẻ nhỏ hẳn là không dễ dàng, nhất là khi bạn còn đang sốt, mệt, và hờn dỗi cả thế giới.

Vậy thì chúng ta phải có chiến thuật như thế nào?

GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ

Bước 1. Kiểm tra tên thuốc, liều dùng, số lần dùng

Trước khi dùng thuốc, bố mẹ đừng quên đọc nhãn hiệu, giấy hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng thuốc. Việc này không chỉ giúp bố mẹ dùng đúng thuốc, đúng liều mà còn cung cấp thông tin về các tác dụng phụ có thể có. Nếu bé có một người chăm sóc khác sẽ cho bé dùng thuốc thay cho bố mẹ, người này cũng nên biết về những thông tin này.

Bước 2. Kiểm tra dụng cụ đong

Một số loại thuốc thường đi kèm với dụng cụ đong như muỗng hoặc ống tiêm. Luôn luôn đong bằng dụng cụ cho sẵn, không dùng muỗng ăn hoặc các loại muỗng đong tại nhà vì kích thước có thể rất khác biệt.

Bước 3. Dùng đúng chỉ định

Đối một số loại thuốc đặc biệt như kháng sinh, sau khi sử dụng 1-2 ngày và trẻ có dấu hiệu khỏe hơn, bố mẹ vẫn cần cho bé dùng đủ liều để tránh bệnh bùng phát lại hoặc thúc đẩy chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Bước 4. Bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc theo giấy hướng dẫn, một số thuốc có thể cần bảo quản lạnh trong khi số khác chỉ cần để ở nơi thoáng mát tránh ánh nắng trực tiếp. Không bao giờ nói với bé thuốc là kẹo, và luôn để thuốc xa tầm tay của trẻ để tránh uống nhầm.

CHO TRẺ UỐNG THUỐC

Bước 1. Tiếp cận một cách tích cực

Các bạn nhỏ thường rất nhạy cảm với ngôn ngữ không lời từ người lớn. Vì vậy nếu bố mẹ bảo con cần uống thuốc nhưng thật tâm lại ngần ngừ hoặc căng thẳng, trẻ sẽ cảm nhận được điều đó. Hãy tiếp cận đơn giản rằng đây là điều phải làm. Và nếu bạn nhỏ đủ lớn hãy cho bạn một số lựa chọn để bạn hào hứng hơn khi tham gia vào việc này. Ví dụ như: “Con muốn uống thuốc khi ngồi trong lòng mẹ hay uống ở bàn ăn?”, “Con có muốn đi chơi sau khi uống thuốc xong không?”...

Ba nguyên nhân thường khiến việc uống thuốc thất bại chính là: trẻ không hiểu được vì sao phải uống thuốc, trẻ không thích vị thuốc hoặc do trẻ không nuốt được nguyên viên. Hãy dành thời gian giải thích cho trẻ, bố mẹ có thể sử dụng bạn búp bê hoặc bạn gấu bông để làm mẫu trong quá trình này.

Bước 2. Một vài kỹ thuật khi uống thuốc

Đối với trẻ nhỏ có phản xạ bú mút mạnh, bố mẹ có thể cho trẻ uống thuốc lúc đói để bé dễ tiếp nhận hơn, trừ khi thuốc cần uống vào một thời điểm cụ thể khác. Khi dùng thuốc, hãy ôm bé nhẹ nhàng ở tư thế thẳng đứng, nếu quá ngửa trẻ sẽ khó nuốt. Khu vực cảm nhận vị đắng nằm ở phía sau của lưỡi, vì vậy khi đưa thuốc vào (dùng đầu ống xi lanh hay ly, muỗng) để tránh đi bố mẹ nên nhắm vào khóe môi và khoảng trống giữa má và nướu răng (xem hình minh họa). Mục đích là để đưa thuốc tràn vào khoang miệng, và bé sẽ nuốt từng chút một. Đối với thuốc có vị khó uống, không nên đưa trực tiếp vào giữa miệng vì trẻ sẽ nhè, hoặc đổ một lượng lớn quá nhanh dễ làm trẻ sặc. Bố mẹ có thể tráng miệng với một ít nước sau cùng để đảm bảo trẻ nuốt hết thuốc và giảm vị thuốc đọng lại.

Đối với trẻ lớn, nên cho trẻ chủ động tham gia vào việc uống thuốc thông qua một số lựa chọn. Ví dụ như trẻ có thể lựa chọn uống thuốc ở đâu, cùng với thức ăn nước uống nào. Bố mẹ có thể sắp xếp việc uống thuốc trước khi xem một chương trình hay một hoạt động yêu thích để trẻ có cảm giác đạt được phần thưởng sau khi uống xong. Một số loại thuốc có thể được pha loãng với nước trái cây hoặc nước ngọt, hoặc thuốc viên có thể được giấu vào yogurt hay mứt để vị dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nên tránh pha vào những thực phẩm cần thiết như sữa, thịt, rau… vì nếu trẻ sợ, trẻ có thể sẽ tránh món ăn đó về sau. Hãy thảo luận với bác sĩ về khả năng pha thuốc với thức ăn bố mẹ nhé!

Đa số các viên nang sẽ mất tác dụng nếu tháo bao phim. Một số viên nén sẽ giảm tác dụng nếu bị nghiền, hoặc đắng hơn khi nghiền ra. Để trẻ nuốt tốt hơn, bố mẹ có thể nhúng nhanh thuốc viên vào nước trước khi cho bé uống. Trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể tập nuốt nguyên viên. Bố mẹ có thể tập nuốt từ những viên kẹo cứng bẻ nhỏ và tăng dần kích thước. Trong trường hợp con chưa uống được nguyên viên, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ về khả năng nghiền hoặc để đổi thuốc sang một dạng bào chế khác.

Một cách thuận tiện khác để uống thuốc nếu không thể pha với thức ăn là làm lạnh khi đó mùi và vị của thuốc sẽ dịu xuống. Hoặc bố mẹ có thể cho con uống một ly nước đá hoặc ăn kem, yogurt đá lạnh ngay trước khi uống thuốc để giảm cảm giác của lưỡi.

Không phải bạn nhỏ nào cũng kháng cự dữ dội khi phải dùng thuốc. Nếu bạn quả thật có chống đối nhưng vẫn uống thành công, bố mẹ đừng quên khen ngợi và tưởng thưởng cho con. Dù chúng ta không mong muốn, nhưng kĩ năng uống thuốc và cho uống thuốc, cũng như những kĩ năng khác, càng làm nhiều sẽ càng thành thạo (hihi)! Và trong một số ngày, có thể tất cả các mẹo ở trên đều mất hiệu lực thì gia đình mình chớ nản lòng. Hãy hít thật sâu, nghỉ ngơi một chút và cùng thử lại bố mẹ nhé!

BS Phan Thị Tường Vân
Chuyên khoa Nhi
Chuyên khoa Tiêu Hóa Nhi
Happy Baby Group

← Bài trước Bài sau →