Mút tay - Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo – HappyBaby
Mút tay - Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo

Mút tay - Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo


Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo

Điều đầu tiên muốn nhắn nhủ với ba mẹ ông bà trẻ, là việc mút tay nên được xem là một phản xạ sinh lý bình thường của con người. Trẻ từ lúc nằm trong bụng mẹ đã biết mút tay, và hành vi mút tay thật ra giúp ích cho trẻ rất nhiều. Nhiều trẻ nhỏ mút tay để giúp mình bình tĩnh, một số trẻ mút tay để tự đưa bản thân vào giấc ngủ, và đây là những lợi ích rất thiết thực cho trẻ.

Nhiều ông bà ba mẹ dán nhãn hành vi mút tay là một hành vi xấu, có hại, và ngay từ khi trẻ được vài tháng tuổi, cả nhà đã tập trung không cho trẻ bỏ tay vào miệng để mút, và thay thế hành vi này bằng cách cho trẻ ngậm ti giả. Đây là một thực hành rất phi logic, vì nếu bạn so sánh giữa việc sử dụng ti giả và việc để cho trẻ tự mút tay mình, thì hành động mút ở trẻ vẫn không đổi, những tác hại tiềm tàng thật ra vẫn như nhau. Nhưng khi sử dụng ti giả, bạn cứ phải vệ sinh liên tục cho cái ti giả, cũng như phải tìm ti giả cho bé khi bé “cần” nó, rất là bị động. Chưa kể rằng, đối với việc mút tay, trẻ sẽ tự cai được, trong khi việc mút ti giả, trẻ có thể nghiện nó bị động hơn và bạn phải cai bạn ti giả cho cả con và bạn – vì có rất nhiều ba mẹ gần như lệ thuộc vào việc sử dụng ti giả để kiểm soát, trấn an con mình!

Một điều người chăm sóc trẻ cũng cần nghi nhớ nữa là, nếu bạn vì bực mình với thói quen mút tay của trẻ, mà la mắng, hoặc đánh tay trẻ, bạn sẽ không tạo được một hiệu quả nào mong muốn cả. Khi bạn cứ la hoặc chỉ trích việc mút tay, bạn làm trẻ chú ý vào việc mút tay hơn, và trẻ sẽ có xu hướng mút tay…nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, khi la, đánh, trẻ sẽ có cảm giác sợ, bất an, và thế là trẻ sẽ cố gắng trấn an bản thân bằng cách…dựa vào bạn ngón tay hơn nữa. Tác dụng ngược rất buồn cười, nhưng đó là sự thật.

Người ta thấy rằng, việc mút tay khi thực hiện quá nhiều và quá lâu sẽ có thể gây ảnh hưởng đến phát triển khung răng hàm của trẻ một cách đáng kể, ví dụ như làm cho răng hàm trên bị đẩy ra phía trước quá nhiều, gây hô; hoặc làm cho răng cửa trên dưới tách xa nhau gây hở khớp….Tuy nhiên, điều tốt lành là những tác dụng không tốt này chỉ xảy ra khi việc mút tay quá nhiều vẫn còn tiếp diễn sau 4-5 tuổi mà thôi.

Một số trẻ vì mút tay nhiều có thể làm nứt da, hoặc tạo vết chai sạn tại da ngón tay. Những tình trạng này đa số tự hết và không để lại di chứng lâu dài.

Các nghiên cứu về thói quen mút tay ở trẻ nhỏ cho thấy, nếu cứ để tự nhiên không can thiệp, việc mút ngón tay sẽ từ từ tự hết vào khoảng độ tuổi 2-4 tuổi, và thường trẻ sẽ vì bận rộn các hoạt động chơi đùa, khám phá khác mà tự cai hành vi này mà thôi.

Ngay cả khi trẻ vẫn còn mút tay sau 4-5 tuổi, nếu hành vi mút tay chỉ thỉnh thoảng xảy ra khi trẻ bị stress hoặc khi ngủ, không diễn ra suốt ngày, cũng như không ảnh hưởng đến phát triển răng miệng, các nhà khoa học cũng khuyên không cần có can thiệp nào cụ thể mà chỉ theo dõi và đợi cho trẻ tự cai khi bối cảnh xã hội và bản thân dần cho phép.

Đối với những trẻ thật sự cần can thiệp, các hành vi khỏe mạnh, như nói chuyện với trẻ để trẻ hiểu tác hại của nghiện mút tay, và giúp trẻ nhận thức được cần bỏ hành vi này là điều nên làm thay cho các hành vi la, đánh, mắng. Một số phương pháp khen thưởng tích cực như khen chủ động khi thấy trẻ giảm mút tay, hoặc khi thấy trẻ có thể ngủ không mút tay…sẽ là những biện pháp tốt để khuyến khích trẻ có động lực tiếp tục giảm dần việc mút tay này.

Nếu bạn rất lo về sức khỏe răng miệng, hoặc rất muốn xem xét việc cai mút tay khi con đã lớn, nên đi khám và tư vấn với nha sĩ hoặc bác sĩ để được đánh giá thật tốt bạn nha.


Nguồn tham khảo:
1. Thumb and Finger Sucking; Davidson L; Paediatrics in Review; 29(6); 2008.
2. Thumb sucking and pacifier use; The American Dental Association; JADA;138; 2007.
3. Thumb sucking: Help your child break the habit; Mayo Clinic; 2018.

← Bài trước Bài sau →