Đau tăng trưởng - BS. Nguyễn Hoàng Hải – HappyBaby
ĐAU TĂNG TRƯỞNG - BS. Nguyễn Hoàng Hải

ĐAU TĂNG TRƯỞNG - BS. Nguyễn Hoàng Hải

Thời gian gần đây cứ về đêm là Cà Rốt lại than đau, nhức mỏi chân, phải bắt mẹ bóp chân và xức dầu thì mới chịu ngủ, nhưng ban ngày thì lại vui chơi bình thường như không có việc gì xảy ra. Đây có thể là bệnh cảnh rất điển hình của đau tăng trưởng.

Vậy đau tăng trưởng là gì?

Chắc không ít người đoán là đau này do xương khớp của trẻ dài ra và lớn lên khiến trẻ cảm thấy đau nhức. Trên thực tế chúng ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng này, nhưng dù là gì đi chăng nữa thì tình trạng này là lành tính và tự hết khi trẻ lớn lên.

Đau tăng trưởng thường xuất hiện nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 3-5 và từ 8-11 tuổi. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ đau tăng trưởng ở trẻ trong độ tuổi đi học từ 10-20%.

Các triệu chứng của đau tăng trưởng là gì?

Một điều đặc biệt là trẻ thường chỉ cảm giác đau vào buổi chiều hoặc buổi tối khi đi ngủ, cơn đau đôi lúc làm trẻ thức giấc giữa đêm. Vị trí đau cũng khá đa dạng và có thể không giống nhau giữa các lần đau, nhưng phổ biến nhất là ở đùi, khoeo chân, cẳng chân và bắp chân. Tuy nhiên vào sáng hôm sau ba mẹ lại cảm nhận như chưa hề có điều gì xảy ra vì trẻ vẫn chạy chơi bình thường và hầu như không còn nhớ đến cơn đau tối qua. Một đặc điểm nữa là ngoài triệu chứng đau thì gần như trẻ không hề có dấu hiệu nào khác.

Cơn đau có xu hướng xuất hiện sau một ngày vận động mệt mỏi, hay tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần. Một điều khá may mắn là các triệu chứng này sẽ tự cải thiện theo thời gian, có thể vài tháng hoặc vài năm.

Ba mẹ và người chăm sóc thường hay thắc mắc là “Đau tăng trưởng có làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ hay không?”

Thực ra đau tăng trưởng là tình trạng lành tính và KHÔNG ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Trẻ có cần hạn chế vận động để phòng ngừa cơn đau hay không?

Đau tăng trưởng thường xuất hiện sau một ngày vận động tích cực nhưng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, do đó trẻ không cần hạn chế vận động. Đau tăng trưởng là tình trạng lành tính và tự giới hạn nên ba mẹ cứ thoải mái cho trẻ nô đùa nhé.

Có xét nghiệm nào để chẩn đoán đau tăng trưởng hay không?

Nếu biểu hiện của trẻ khá rõ ràng và quá trình thăm khám không ghi nhận bất thường thì KHÔNG cần làm xét nghiệm nào cả. Tuy nhiên nếu nghi ngờ các bệnh lý khác như nhiễm trùng, viêm khớp, chấn thương thì bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm cần thiết như chụp Xquang, siêu âm, xét nghiệm máu.

Ba mẹ và người chăm sóc có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm đau cho trẻ:

• Massage vùng chân.

• Chườm ấm bằng khăn hoặc túi chườm ấm.

• Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để thư giãn các cơ vùng chân trước khi ngủ.

• Dùng thuốc Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm đau cho trẻ, tuy nhiên không nên quá lạm dụng và cần khám bác sĩ nếu triệu chứng chưa cải thiện sau dùng thuốc.

“Có cần bổ sung calci và vitamin D cho trẻ đau tăng trưởng hay không?”

Hiện nay có một số giả thuyết về sự liên quan giữa thiếu vitamin D và đau tăng trưởng, tuy nhiên chưa có nghiên cứu chứng minh rõ ràng vấn đề này. Do đó chỉ những trường hợp trẻ kèm thiếu vitamin D hoặc thiếu calci thì mới cần bổ sung theo chỉ định bác sĩ.

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ

Ba mẹ cần cho trẻ đến khám bác sĩ khi trẻ có kèm một trong các dấu hiệu sau:

• Trẻ có sốt.

• Chân sưng, đỏ.

• Trẻ đi khập khiễng.

• Cơn đau xuất hiện cả ngày lẫn đêm.

• Triệu chứng kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp kể trên.

TÓM LẠI:

👉 Đau tăng trưởng là tình trạng lành tính, tự giới hạn, thường gặp ở độ tuổi từ 3-5 và 8-11 tuổi.

👉Không ảnh hưởng phát triển của trẻ.

👉Ba mẹ và người chăm sóc có thể massage, chườm ấm, thực hiện một số bài tập để thư giãn vùng chân hoặc dùng thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ.

👉Cần cho trẻ khám bác sĩ khi kèm sốt, chân sưng đỏ, trẻ đi khập khiễng hoặc cơn đau kéo dài cả ngày lẫn đêm.

Một số bài tập làm thư giãn các cơ vùng chân cho trẻ

 

 

BS. Nguyễn Hoàng Hải

Chuyên khoa Nhi

Chuyên khoa Nội Tiết Nhi

 

Nguồn tham khảo

1. Growing pains; Orthopaedic fact sheet; The Royal Children’s Hospital; Australia

2. Growing pains; Betterhealth Channel; Australia

3. Suzanne C Li, MD, PhD; Growing pains; Uptodate; Apr 05, 2021.

← Bài trước Bài sau →