CHĂM SÓC “CẬU BÉ” CHO BÉ TRAI - BS. Nguyễn Ngọc Anh Thư – HappyBaby
CHĂM SÓC “CẬU BÉ” CHO BÉ TRAI - BS. Nguyễn Ngọc Anh Thư

CHĂM SÓC “CẬU BÉ” CHO BÉ TRAI - BS. Nguyễn Ngọc Anh Thư

Một trong những lo lắng của các ba mẹ có bé trai là bé có hẹp bao quy đầu không? Bao quy đầu của bé có bất thường không? Chúng ta cùng tìm hiểu về quá trình bóc tách bao quy đầu để giải tỏa lo lắng và cách chăm sóc vệ sinh để các bé trai có “cậu bé” khỏe mạnh nhé!

Bao quy đầu và quá trình bóc tách bao quy đầu

Bao quy đầu là phần da lỏng lẻo bao phủ phần đầu (quy đầu) của dương vật.

Hầu hết trẻ sơ sinh bao quy đầu không thể tuột lên được (kéo ngược khỏi đầu dương vật). Bao quy đầu tách dần khỏi đầu dương vật không theo quy luật nhất định mà tùy theo mỗi cá nhân. Quá trình này sẽ tăng theo độ tuổi, có khoảng 10% bé trai bao quy đầu bóc tách hoàn toàn lúc 1 tuổi, khoảng 50% bé trai lúc 10 tuổi và 99% bé trai bóc tách lúc 17 tuổi. Đa phần khi bao quy đầu chưa tuột lên khỏi quy đầu được gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý, rất hiếm các trường hợp hẹp bao quy đầu thật sự (hẹp thứ phát bệnh lý).

Trong quá trình dương vật và bao quy đầu tách ra tự nhiên, có thể xảy ra đỏ và đau khi trẻ đi tiểu. Đây là điều bình thường và sẽ tự cải thiện sau một vài ngày.

Hầu hết các bé trai thường xuyên chạm và nghịch “cậu bé” của bé. Đây là chuyện bình thường trong quá trình các bé phát triển và đó là cách các bé tìm hiểu cơ thể của mình.

Đôi khi  xuất hiện những mảng trắng/ vàng dưới da quy đầu là gì?

Giữa bao quy đầu và quy đầu có luôn có một lớp dịch ẩm, được tạo thành từ các tế bào da chết gọi là smegma. Smegma có thể tích tụ lại thành các mảng nhỏ màu trắng/ vàng. Điều này là bình thường, không cần phải lo lắng và không cần cố gắng nong da quy đầu để lấy các mảng đó ra, điều này có thể vô tình tạo sẹo gây hẹp bao quy đầu thứ phát bệnh lý.

Chăm sóc “cậu bé” hàng ngày như thế nào?

🌟 Khi da quy đầu chưa bóc tách: đừng kéo mạnh bao quy đầu để tuột lên và không cần cố gắng làm sạch ở bên trong da quy đầu vì có thể gây ra các vấn đề sau này.

🌟 Khi bao quy đầu bóc tách dễ dàng:

- Hãy rửa nhẹ nhàng bên dưới da quy đầu và quy đầu với nước ấm, sau đó lau khô, rửa sạch smegma nếu có.

- Có thể giúp trẻ hoặc dạy trẻ vệ sinh như vậy mỗi tuần một lần trong khi tắm.

- Không sử dụng xà phòng để vệ sinh và luôn đảm bảo không để dính xà phòng dưới da quy đầu.

 🌟 Không bôi kem/ lotion có tính diệt khuẩn vào da quy đầu và dương vật (trừ trường hợp bác sĩ kê toa).

Hăm tã đôi khi có thể gây tình trạng viêm nhẹ ở đầu dương vật. Khi thấy dương vật bé đỏ nhẹ và bé có cảm giác đau, ba mẹ có thể xử trí như sau:

- Thay tã ngay khi tã dơ hoặc ướt.

- Cố gắng cho bé có những thời gian ngắn không mặc tã trong ngày.

- Ngâm trong nước ấm có thể giúp bé dễ chịu hơn.

- Thoa kem chống hăm ở mỗi lần thay tã và có thể thoa luôn ở đầu dương vật.

❓Khi nào thì ba mẹ cần đưa các bé đi khám❓

👉 Dương vật bị đỏ và sưng đau hơn 24 giờ

👉 Bé than đau khi đi tiểu

👉 Bé sốt kèm các dấu hiệu khác liên quan

👉 Có dịch hoặc mủ chảy ra từ dương vật

👉 Bao quy đầu bé phồng lên khi bé đi tiểu

Nếu bao quy đầu bé tuột lên và bị mắc kẹt lại, đây là một tình huống cấp cứu cần đưa bé đến bệnh viện khẩn cấp, nếu không giải quyết sớm có thể dẫn đến hoại tử quy đầu.

BS. Nguyễn Ngọc Anh Thư

Chuyên khoa Nhi

← Bài trước Bài sau →