CÁC BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ RÁY TAI? BS. Nguyễn Hoàng Hải – HappyBaby
CÁC BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ RÁY TAI? BS. Nguyễn Hoàng Hải

CÁC BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ RÁY TAI? BS. Nguyễn Hoàng Hải

Ráy tai được hình thành bởi chất tiết ở ống tai ngoài, có thể có màu nâu, cam, đỏ, vàng, có thể khô hoặc ướt và nhìn hơi “dơ”, nhưng thật sự ráy tai có nhiều lợi ích hơn ta nghĩ.

Ráy tai có tác dụng như một lớp chống thấm nước trong ống tai, giúp dưỡng ẩm ống tai, bảo vệ tai khỏi vi trùng, vi nấm. Ngoài ra nó có chức năng bắt giữ bụi, dị vật và côn trùng không gây tổn thương tai.

Có nghĩa là, trời sinh ra ráy tai, là có ích cho con người, các bạn ạ!

Sẽ có nhiều người hỏi có cần lấy ráy tai hay không?

Thông thường ráy tai sẽ tự đẩy dần ra ngoài. Việc dùng tay hoặc tăm bông lấy ráy tai của trẻ có thể làm tổn thương ống tai hoặc màng nhĩ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ vì trẻ không hợp tác có thể vô tình làm chấn thương ống tai hoặc thủng màng nhĩ, gây đau và chảy máu.

Trong một số ít trường hợp nếu ráy tai quá nhiều, có thể gây tắc nghẽn làm giảm thính lực hoặc gây đau, khó chịu kéo dài cho trẻ thì mới có chỉ định can thiệp lấy ráy tai. Còn đại đa số các trường hợp còn lại chúng ta chỉ chờ ráy tai tự rơi ra ngoài mà thôi, các bạn nhé!

Nếu trẻ than khó chịu hay ngứa ở tai, bạn có thể dùng khăn để chùi phần ngoài của tai mà mắt thường có thể nhìn thấy được, không dùng bông ngoáy tai hoặc ngón tay để lấy vào trong vì có thể gây tổn thương tai hoặc đẩy ráy tai vào sâu hơn.

Bạn cần cho trẻ khám bác sĩ khi trẻ:

👉 Đau tai, ngứa tai nhiều

👉 Giảm thính lực

Nhiều cha mẹ thấy trẻ hay gãi tai, móc lỗ tai, vậy có cần phải can thiệp hay không?

Tình trạng trẻ hay gãi tai, móc lỗ tai rất thường gặp, đa số những hành động này là lành tính và phần lớn trẻ không có vấn đề nghiêm trọng nào cần can thiệp cả, nên ba mẹ và người chăm sóc hãy bình tĩnh theo dõi cho con thôi nhé. Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu như sốt, chảy dịch tai, quấy khóc nhiều thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

BS. Nguyễn Hoàng Hải

Chuyên khoa Nhi

Chuyên khoa Nội Tiết Nhi

Nguồn tham khảo:

1. Patrick C. Barth, MD; Dealing with earwax; Kidshealth; December 2020

2. Earwax build-up; National health service; United Kingdom; January 2021

3. Earwax buildup; Seattle Children’s hospital; United State of America.

4. Elizabeth A Dinces, MD; Cerumen; Uptodate; June 2021

5. Patient education: Ear wax impaction (The Basics); Uptodate; 2021

← Bài trước Bài sau →