GÓI KHÁM VÀ TƯ VẤN BÉO PHÌ – HappyBaby
GÓI KHÁM VÀ TƯ VẤN BÉO PHÌ

GÓI KHÁM VÀ TƯ VẤN BÉO PHÌ

Quan niệm sổ sữa - bụ bẫm liệu có phù hợp để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ?

“Con nhà cháu sổ sữa thế? Cháu tôi chắc suy dinh dưỡng quá”

“Mẹ nuôi con giỏi thế. Trông bụ bẵm đáng yêu lắm”

Những câu nói này chắc hẳn không còn quá xa lạ với các bậc ba mẹ. Những câu nhận xét tưởng chừng đơn giản ấy nhưng vô hình chung tạo nên những "thước đo" về mặt phát triển cho các trẻ, đôi khi vô tình tạo nên những áp lực vô hình lên ba mẹ, ông bà, nếu như con, cháu mình được so sánh "không sổ sữa" như những đứa trẻ khác, cũng vô tình thúc đẩy các bậc phụ huynh nuôi trẻ sao cho thật béo tròn, thật bụ bẫm, vì con, cháu được khen sổ sữa thì ai mà không "khoái", phải không ông bà, ba mẹ. 

Tuy nhiên, chúng ta đều đồng ý rằng cái gì quá cũng không tốt đúng không? "Quá" ốm cũng không tốt, và “quá” sổ sữa cũng là vấn đề đấy ba mẹ nhé. "Bụ bẫm", "sổ sữa" đơn thuần chỉ là những tính từ diễn đạt suy nghĩ chủ quan của từng cá nhân khi nhận định thể trạng của một đứa trẻ; và vì chỉ mang tính cá nhân nên chúng ta không thể dùng những từ mô tả này làm thang đo cho tình trạng sức khỏe của trẻ được! 

Các bác sĩ nhi khoa cũng không ít lần bị đưa vào thế khó xử, có những cuộc "tranh luận" giữa bác sĩ và phụ huynh khi gia đình cho rằng "bé đang bụ bẫm - béo tốt - sổ sữa thế, sao bác sĩ bảo bé đang thừa cân - dọa béo phì được?". Vì thế, Happy Baby mong bài viết này sẽ giúp cho bác sĩ và ông bà, ba mẹ có thể tìm được tiếng nói chung, cũng như hiểu rõ thế nào là cân nặng khỏe mạnh, những nguy cơ sức khỏe trẻ có thể gặp phải nếu trẻ thừa cân, béo phì và dấu hiệu nhận biết trẻ đang thừa cân, béo phì để có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa kịp thời các phụ huynh nhé!

Làm sao để biết trẻ có đang thừa cân/ béo phì hay không?

Thuật ngữ béo phì ám chỉ phần mỡ thừa tích tụ trong cơ thể. Trên thực tế, các bác sĩ sẽ thông qua các chỉ số nhân trắc học (cân nặng, chiều cao) và mối tương quan của chúng để tính toán ra chỉ số gọi là BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể, sau đó đối chiếu với bảng BMI theo tuổi và giới, khi đó sẽ xác định được xem trẻ có thực sự gặp vấn đề về thừa cân và béo phì hay không. Chỉ số BMI là phương pháp đánh giá thừa cân/ béo phì được áp dụng ở các trẻ từ 02 tuổi trở lên

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể sớm nhận biết được các vấn đề về phát triển thể chất của trẻ thông qua việc theo dõi các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng đầu nhờ các công cụ như bảng theo dõi tăng trưởng, ứng dụng di động (app) hoặc công cụ online (Happy Baby đính kèm link bên dưới để các phụ huynh tiện tham khảo nhé). Những dấu hiệu cần đưa trẻ đến gặp Bác sĩ nhi khoa là khi các chỉ số này thấp hơn đường 5ᵗʰ hoặc cao hơn đường 85ᵗʰ theo bảng đối chiếu theo tuổi và giới.

https://www.cdc.gov/healthyweight/bmi/calculator.html

https://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/weight-for-age

Thang định nghĩa phân loại cân nặng dành cho trẻ từ 2 – 18 tuổi

PHÂN NHÓM

Trẻ 2 – 18 tuổi

(CDC, AAP)

Nhẹ cân

BMI < 5ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

Cân nặng bình thường

5ᵗʰ ≤ BMI < 85ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

Thừa cân

85ᵗʰ ≤ BMI < 95ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

BÉO PHÌ

BMI ≥ 95ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

BÉO PHÌ NẶNG

BMI ≥ 120% của 95ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

Hoặc

BMI ≥ 35

BMI ≥ 140% của 95ᵗʰ percentile theo tuổi và giới

Hoặc

BMI ≥ 40

 

Liệu béo phì có nguy hiểm? Những nguy cơ sức khỏe nào trẻ có thể gặp phải về lâu dài nếu trẻ béo phì?

Theo thống kê Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016: có hơn 340 triệu trẻ độ tuổi 5-19 mắc phải tình trạng thừa cân hay béo phì. Tình trạng này gây nhiều hệ quả lâu dài lên sức khỏe và là gánh nặng y tế ở nhiều quốc gia.

Tình trạng béo phì có liên quan mật thiết đến nhiều bệnh lý khác

  • Nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…
  • Nguy cơ hô hấp: hen suyễn, ngưng thở khi ngủ,…
  • Nguy cơ nội tiết: đái tháo đường tuýp 2, dậy thì sớm…
  • Nguy cơ da liễu: rạn da, viêm tuyến mồ hôi mủ…
  • Nguy cơ tiêu hóa: gan nhiễm mỡ, sỏi mật…
  • Nguy cơ dinh dưỡng: thiếu vitamin D, thiếu Sắt,…
  • Nguy cơ tâm lý: tự ti, trầm cảm, rối loạn ăn uống, bắt nạt trong trường học…

Điều gì khiến trẻ béo phì?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này: đa số liên quan đến lối sống không khỏe mạnh (chiếm 90%, do nạp quá nhiều năng lượng, lối sống tĩnh tại – lười vận động dẫn tới tăng tích tụ mỡ trong cơ thể…), ngoài ra còn có thể do yếu tố di truyền, rối loạn hệ nội tiết,…

Vì sao cần cho trẻ thăm khám khi có nghi ngờ béo phì?

Béo phì có liên quan đến nhiều hệ lụy về sức khỏe về lâu dài nếu như tình trạng này không được phát hiện và quản lý kịp thời.

Dù vậy, béo phì là tình trạng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu được phát hiện sớm và có kế hoạch điều chỉnh đúng đắn.

Vì thế khi nghi ngờ trẻ có tình trạng thừa cân hoặc béo phì: gia đình cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và xác định xem trẻ có thực sự gặp vấn đề về cân nặng hay không, cũng như sẽ có những kế hoạch và giải pháp cụ thể hơn đối với tình trạng của từng trẻ.

Gói khám béo phì tại Happy Baby sẽ diễn ra như thế nào?

Trong buổi khám và tư vấn béo phì, bác sĩ sẽ có những câu hỏi xoay quanh quá trình tăng trường của bé, thói quen ăn uống, hoạt động thường nhật và chế độ vận động – thể dục thể thao của trẻ: ba mẹ nhớ nhé, để buổi khám được suôn sẻ hơn, gia đình cần mang sổ theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ, nhật ký ăn uống trong 24 giờ (nếu có) sẽ giúp bác sĩ thuận tiện hơn trong quá trình thăm khám ba mẹ nhé!

Sau đó, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám trên trẻ với mục đích tìm ra những bất thường hoặc dấu chứng gợi ý từ sự ảnh hưởng của việc thừa cân, béo phì hay không.

Tùy vào thông tin bác sĩ tổng hợp được từ cuộc thăm khám, bác sĩ sẽ cân nhắc gói xét nghiệm béo phì cho trẻ hay không. Các xét nghiệm gói béo phì bao gồm:

  • Công thức máu: xem bé có tình trạng thiếu máu hay có bất thường gì về hình dạng, màu sắc của các tế bào máu do tình trạng béo phì gây nên hay không?
  • Glucose máu: kiểm tra tình trạng đường trong máu cho bé, xem có gợi ý gì về tình trạng đái tháo đường gây ra do béo phì hay không?
  • Bộ xét nghiệm mỡ máu, men gan (AST-ALT), chức năng thận (Creatinin), Xét nghiệm nước tiểu, chức năng tuyến giáp (TSH, fT4), vitamin D: xem xét béo phì có làm ảnh hưởng tới các bộ phận/cơ quan trong cơ thể hay không?

Nhận thức đúng - trẻ khỏe mạnh 

Suy dinh dưỡng, nhẹ cân và béo phì, thừa cân ví von như hai đối trọng trên một bàn cân vậy. Tuy nhiên trong quan niệm người Việt Nam chúng ta, đa số các bậc phụ huynh đều chú ý và dành nhiều sự lo lắng hơn về việc con, cháu mình có suy dinh dưỡng không, mà quên rằng đối trọng còn lại – “béo phì” cũng gây phiền hà không kém cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ.

Với mong muốn được nhìn thấy mọi trẻ được phát triển khỏe mạnh, các Bác sĩ Happy Baby hy vọng các bậc làm ông bà, ba mẹ sẽ có những nhận thức đúng hơn về thế nào là “cân nặng khỏe mạnh”, khi nào có “dấu hiệu” cần tham vấn cùng các bác sĩ. Để từ đó, bác sĩ và phụ huynh cùng có tiếng nói chung và giải pháp để đạt được thế cân bằng trong cán cân về cân nặng cho trẻ các gia đình nhé!

Bác sĩ Lê Hà Tuấn Anh

Happy Baby Team

-------

Nguồn tài liệu tham khảo:

Patient education: My child is overweight

Childhood overweight and obesity (CDC)

Overweight and Obesity (WHO)

Overview of the health consequences of obesity in children and adolescents

Childhood obesity causes and consequences (CDC)

← Bài trước Bài sau →