HIỀU VỀ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN Ở TRẺ SƠ SINH – HappyBaby
HIỀU VỀ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN Ở TRẺ SƠ SINH

HIỀU VỀ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN Ở TRẺ SƠ SINH

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn, sữa trào từ dạ dày đi lên thực quản và có thể trớ ra ngoài miệng.

Trào ngược dạy dày thực quản có thể xảy ra nhiều lần trong ngày gây lo lắng cho ông bà ba mẹ của trẻ. Tuy nhiên tình trạng này khá phổ biến, ảnh hưởng đến ít nhất 40% trẻ sơ sinh khỏe mạnh, trẻ thường bắt đầu triệu chứng trước 8 tuần tuổi, đạt đỉnh điểm lúc 4 tháng tuổi. Nhưng đa phần các trường hợp thì vô hại, không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến việc tăng cân của trẻ do đó không cần điều trị và thường tự cải thiện sau 1 tuổi.

❓Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Điều này do cơ thắt giữa dạ dày và thực quản của trẻ sơ sinh chưa được khỏe nên khó giữ thức ăn lại ở dạ dày được. Ngoài ra, giải phẫu dạ dày của trẻ lúc này nhỏ và nằm ngang, ba mẹ có thể hình dung chúng ta chứa sữa trong một cái dĩa nhỏ sẽ rất dễ đổ hơn so với chứa trong một cái ly. Theo thời gian thì những điều này sẽ thay đổi: cơ thắt khỏe hơn, dạ dày bắt đầu chuyển sang vị trí dọc, kích thước dạ dày tăng lên, trẻ cũng từ nằm sang ngồi nhiều hơn, thức ăn ban đầu chỉ là sữa rồi khi trẻ ăn dặm thức ăn sẽ đặc dần lên. Vì những lý do trên nên còn gọi tình trạng này là trào ngược dạ dày thực quản sinh lý.

❓Chăm sóc trẻ có tình trạng trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?

Đối với hầu hết trẻ thì ba mẹ không cần làm gì vì đây là một quá trình tự nhiên và sẽ tự cải thiện theo thời gian. Một số trẻ nôn trớ nhiều hơn các trẻ khác ba mẹ có thể:

    ⭐ Giảm lượng ở mỗi cữ bú, vì khi vượt quá sức chứa của dạ dày sẽ gây trớ sữa. Các cữ bú cần cách nhau ít nhất 2 giờ để dạ dày có đủ thời gian làm trống chỗ.

   ⭐ Nâng cao đầu ngực trẻ hơn khi bú và giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú khoảng 20 phút

   ⭐ Việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc đổi sữa công thức sẽ không có tác dụng gì và không được khuyến khích.

Tuy nhiên nôn trớ cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nào đó, nên khi có các dấu hiệu sau đây ba mẹ cần đưa trẻ đi khám:

   👉 Trẻ nôn ói có máu

   👉 Sốt

   👉 Trẻ ăn bú kém

   👉 Chậm tăng cân

   👉 Ho, khò khè kéo dài

   👉 Trẻ chưa từng có tình trạng nôn trớ trước đó hoặc nôn trớ tăng nhiều hơn so với bình thường

  👉 Và bất cứ khi nào ba mẹ cảm thấy lo lắng về tình trạng của trẻ.

Bs Nguyễn Ngọc Anh Thư.

Happy Baby Team.

Nguồn tài liệu:

1. Reflux (GOR) and GORD: Kids Health Information; The Royal Children’s Hospital; 05/2018.

2. Gastrooesophageal reflux disease in infants: Clinical Practice Guidelines; The Royal Children's Hospital; 10/2019.

3. Gastrooesophageal reflux and GORD: Raising Children Network; 10/2021.

← Bài trước Bài sau →